“Cuộc cách mạng nhân học” trong triết học tôn giáo phương Tây hiện đại

“Cuộc cách mạng nhân học” trong triết học tôn giáo phương Tây hiện đại

Một trong các đặc điểm, hay có thể nói, đặc điểm quan trọng nhất, của triết học tôn giáo phương Tây hiện đại chính là “cuộc cách mạng nhân học” đang diễn ra trong đó. Cuộc cách mạng này đã động chạm đến lĩnh vực được coi là khó tiếp cận nhất đối với nhận thức duy lý nhưng lại là quan trọng nhất đối với nỗ lực tinh thần – lĩnh vực ý thức tôn giáo. Đây không hẳn là vấn đề thế tục hoá xã hội, nhà nước hoá và thế tục hoá giáo hội, mà là vấn đề xuyên tạc ý thức tôn giáo khi xã hội gán cho con người một quan niệm về Thiên Chúa giáo không hẳn đã phù hợp với nội dung của “Tin lành”, mà chủ yếu là phù hợp với những tín ngưỡng đã hình thành trong lịch sử của các dân tộc khác nhau, ở các giai đoạn phát triển lịch sử sơ kỳ của họ.


Đây không phải là một đề tài hoàn toàn mới đối với truyền thống tư tưởng triết học lấy con người làm trung tâm ở châu Âu(1). Bởi lẽ, chính truyền thống này đã hình thành nên một antinomia mà nội dung của bài viết này đề cập tới – antinomia giữa “cái siêu việt” và “cái nội tại” mà việc giải quyết nó tạo ra một bước ngoặt trong nhận thức về con người trên bình diện triết học. Đây là một antinomia căn bản, vì nội dung của nó cho phép phân biệt tôn giáo của con người có văn hoá với tôn giáo của con người đại chúng mà chỉ có hình thức tôn giáo thứ nhất mới cho phép khắc phục được sự bóp méo nhân cách con người.

Mặc dù có cảm tưởng là giáo lý Ba Ngôi đã loại bỏ antinomia nêu trên, nhưng điều đó chỉ mang tính hình thức, vì Đức Chúa Cha thường xuyên thể hiện như là một bản chất riêng đặc biệt, ở bên ngoài con người. Kinh nghiệm sinh hoạt đã cho con người thấy tôn giáo hàng ngày của đại chúng chủ yếu tập trung vào chính Ngôi thứ nhất này của Chúa. Từ đó, nảy sinh những đặc điểm cơ bản của đức tin – chủ yếu tập trung vào lễ nghi tôn giáo; vào nhu cầu nhận được tình thương của Chúa và sự bảo vệ hay ban thưởng ở nơi Chúa, chứ hoàn toàn không phải là vào hoạt động tinh thần có định hướng rõ ràng; vào thái độ khắc kỷ đối với những biểu hiện của lực lượng tối cao, chứ không phải là nỗ lực của cá nhân có trách nhiệm đạo đức.


Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh