Gia đình với vai trò giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên ở Việt Nam hiện nay (Luận văn thạc sĩ triết học) (Download)

Gia đình với vai trò giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên ở Việt Nam hiện nay (Luận văn thạc sĩ triết học) (Download)

Trong xã hội ngày nay đang diễn ra nhiều biến đổi sâu sắc, đem lại niềm hi vọng lớn lao nhưng đồng thời cũng mang đến không ít lo lắng cho tương lai phát triển của nhân loại. Trong những thập kỷ gần đây, gia đình đã có những biến đổi mạnh mẽ. Hiện nay, gia đình được coi là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Vấn đề gia đình ngày càng trở lên phong phú, đa dạng và phức tạp. Gia đình, có thể đem lại hạnh phúc cho con người nhưng cũng có thể reo rắc nỗi bất hạnh cho các thành viên. Bởi vậy, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc luôn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội, của mọi thời đại. Gia đình là tế bào của xã hội, đơn vị cơ sở xã hội đầu tiên trong đó con người sinh ra và lớn lên, môi trường có tác dụng to lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, giúp trẻ hội nhập và đóng góp sức mình vào cuộc sống xã hội. Gia đình đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau, trong đó có chức năng giáo dục giới tính. 


Giáo dục gia đình có ảnh hưởng lâu dài, toàn diện đến mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội chỉ phát huy được vai trò khi lấy giáo dục gia đình làm cơ sở. Một nội dung quan trọng trong giáo dục gia đình đó là giáo dục nhân cách. Giáo dục nhân cách ngày nay không chỉ bó hẹp trong một số vấn đề giáo dục học tập, đạo đức, lao động, … mà còn mở rộng đến những khía cạnh của sinh lý, tâm lý của mỗi thành viên. Những khía cạnh này chính là những nội dung của giáo dục giới tính, như vậy, giáo dục nhân cách đã bao hàm cả giáo dục giới tính. Giáo dục giới tính giúp con người phát triển toàn diện về thể lực và trí lực. Giáo dục giới tính có ý nghĩa quan trọng đối với mọi thành viên, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên Vị thành niên là một giai đoạn phát triển rất nhanh về thể chất, tâm sinh lý và tinh thần. Lứa tuổi vị thành niên là một lực lượng chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu dân số Việt Nam. 

Trong buổi Họp báo hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7/2013, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Vị thành niên là nhóm người từ 10 – 19 tuổi, hiện chiếm khoảng 1/5 dân số Việt Nam, đây là lực lượng quyết định tương lai của đất nước”. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, các giá trị văn hóa phương Tây du nhập vào trong từng thành phố, làng mạc ở các nước thứ ba, làm thay đổi và ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi và suy nghĩ của lứa tuổi vị thành niên. Trong bối cảnh đó, tâm lí, sức khỏe vị thành niên là một trong những thách thức nghiêm trọng với các nhà chiến lược phát triển. Tương lai của trẻ vị thành niên là tương lai thật sự của quốc gia. Ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục giới tính đã trở thành một môn học, được đưa vào giảng dạy trong các trường học với tên gọi khác nhau. Giáo dục giới tính ở Thái Lan gọi là: “Giáo dục đời sống gia đình”, Thụy Điển gọi là “Vệ sinh tình dục”, Nam Tư (cũ) gọi là “Giáo dục mối quan hệ nhân văn và có trách nhiệm giữa nam và nữ”. Ở Malaixia, Bộ Giáo dục đã đưa vấn đề này vào trương trình học tập trung học từ những năm 1967-1968. Sách giáo khoa cũng được biên soạn theo từng cấp với những hình vẽ minh họa phù hợp, rất đẹp, tạo điều kiện không chỉ cho giáo viên giảng dạy trong trường mà cung cấp đến cả phụ huynh, có sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình. Vấn đề giáo dục giới tính ở nước ta đã được quan tâm từ lâu. Trong các trường trung học giáo dục giới tính là một bộ phận trong các môn Sinh học, Giáo dục công dân, .... 

Tuy nhiên, thực tế giáo dục giới tính vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, nên hiệu quả chưa cao. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh hầu hết chưa nhận thức được vai trò, lợi ích, nhu cầu giáo dục giới tính của con cái. Giới tính chưa được cha mẹ quan tâm đúng mức, một số nội dung được lồng ghép vào giáo dục sức khỏe, giáo dục đạo đức. Một số nội dung như tình yêu, tình dục, … cha mẹ thường lảng tránh, làm cho con trẻ phải tự mày mò, tìm hiểu. Quan niệm trên khiến trẻ thiếu hụt những kiến thức, kĩ năng xử lí các vấn đề giới tính, điều này đã gây nguy hại đến thể chất, tâm lí của trẻ. Vì vậy, việc nâng cao vai trò của gia đình trong giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên là cần thiết nhưng khó thự hiện. Cha mẹ cần có sự quan tâm đúng mức tới sự phát triển tâm sinh lý của con cái. Sự cởi mở trong trao đổi về giới tính cho trẻ vị thành niên là một yếu tố quan trọng. Để trẻ được khỏe mạnh về thể chất cũng như tinh thần, là điều kiện để trẻ phát huy năng lực, trí tuệ của mình. Giáo dục giới tính có vai trò quan trọng trong sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ. Giáo dục giới tính cần được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm, ưu tiên trong các hoạt động, chính sách. 

Vì những lí do trên tôi chọn vấn đề: “Gia đình với vai trò giáo d ục giới tính cho trẻ vị thành niên ở Việt Nam hiện nay” làm đề tài luận văn của mình.

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh