Quan niệm của LépTônxtôi về đạo đức trong tác phẩm "Đường sống" (Luận văn thạc sĩ triết học) (Download)

Quan niệm của LépTônxtôi về đạo đức trong tác phẩm "Đường sống" (Luận văn thạc sĩ triết học) (Download)

Cho đến nay ít có nền văn học nào trên thế giới có sức hấp dẫn và ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm hồn người Việt Nam như văn học Nga. Điều này có thể là do mối quan hệ giữa hai nước, nhưng trước hết, tự thân những tác phẩm văn học Nga đã chứa đựng những tư tưởng tiên tiến, những giá trị thẩm mỹ lớn lao, tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tâm tư tình cảm của người Việt trong một giai đoạn lịch sử của đất nước, nhất là trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những tên tuổi ảnh hưởng lớn đến văn học Việt Nam, Lép Tônxtôi chiếm một vị trí nổi bật. Với sự ra đời của tác phẩm Đường sống, Lép Tônxtôi sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đến văn học mà còn đến đời sống tinh thần, văn hóa xã hội nước ta, trong đó có lĩnh vực đạo đức. Văn học Nga sở hữu những tên tuổi chói lọi như Puskin, Sêkhôp, Lécmantốp, Đôstôiepski, Tuôcghênhep, Lép Tônxtôi, v.v. trong đó nổi bật là Lép Tônxtôi mà các tác phẩm của ông đã trở thành mẫu mực, tinh hoa của nền nghệ thuật đương đại và có ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng đến không chỉ nền văn học Nga mà cả các nền văn học khác trên thế giới. Lép Tônxtôi là một nhà văn vĩ đại của nước Nga, đồng thời là nhà triết học, nhà tư tưởng đạo đức. Trong các tác phẩm bất hủ của mình, ông luôn day dứt, trăn trở về các vấn đề đạo đức và coi đó là vấn đề hết sức quan trọng. Là một nhà luân lý, ông nổi tiếng với tư tưởng chống lại cái ác và bảo vệ những giá trị tốt đẹp, ươm mầm hạnh phúc cho cuộc sống vốn nhiều bất công, dù phải đơn thương độc mã. Tác phẩm Đường sống - cuốn văn thư nghị luận chọn lọc các thư từ và bài viết chính luận của Lép Tônxtôi đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về ông với tư cách một nhà tư tưởng, một triết gia lớn. Trong Đường sống, Lép Tônxtôi trình bày rất nhiều vấn đề như giáo dục, đạo đức, tôn giáo, khoa học, chính trị, triết học, nhưng nổi bật nhất là về đạo đức mà trong đó quan niệm về cái thiện, tình yêu thương, nghĩa vụ, hạnh phúc được trình bày cô đọng và rõ nét hơn cả với những giá trị nhân văn sâu sắc. Nghiên cứu Lép Tônxtôi với những nội dung trên có ý nghĩa quan trọng đối với ý thức cũng như thực tiễn xã hội Việt Nam hiện nay. Việt Nam đang trong quá trình phát triển hội nhập, cùng với sự phát triển của kinh tế, đạo đức xã hội của nước ta đã có nhiều tiến bộ, tính năng động của con người cũng tăng lên, quan hệ giữa con người trong xã hội bình đẳng hơn, ý thức trách nhiệm của mỗi người trong xã hội cũng cao hơn, nhưng bên cạnh đó mặt trái của kinh tế thị trường và sự hội nhập quốc tế đã và đang có những tác động xấu đến đời sống đạo đức xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà một số người cho rằng nền đạo đức ở nước ta hiện nay đang có nguy cơ “trượt dốc”.


 Triết lý “sống chết mặc bay” đang “gặm nhấm” các giá trị đạo đức truyền thống. Lối sống thực dụng, tâm lý sùng bái đồng tiền, lấy tiền làm thước đo giá trị con người đã chi phối nhiều quan hệ đạo đức, trở thành nguyên tắc xử thế của không ít người. Không ít trường hợp vì đồng tiền và địa vị mà người ta sẵn sàng chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và tham nhũng cũng từ đó mà phát triển, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng, đáng báo động ở cấp cao nhất. Không những quan hệ giữa con người với nhau trên thị trường mà cả những quan hệ trong gia đình cũng bị sức mạnh của đồng tiền chi phối và làm băng hoại. Vì sự cám dỗ của đồng tiền mà người ta sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm, tiếp tay cho các tệ nạn xã hội, vì đồng tiền con cái hành hung cha mẹ, anh em từ bỏ nhau, vợ chồng ly tán, các quan hệ trong gia đình bị đảo lộn. Đáng lo ngại nhất là sự xuống cấp đạo đức lại diễn ra phức tạp nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên - thế hệ tương lai của đất nước. 

Tuổi trẻ vốn là mùa xuân của đất nước, nếu những “mùa xuân” này sớm tàn úa thì xã hội sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Đặc điểm của tuổi trẻ là giàu nhiệt tình, năng động, ham khám phá cái mới, say sưa trong hành động nhưng lại thiếu kinh nghiệm và tri thức về cuộc sống. Mặt khác, sự bồng bột, xốc nổi làm cho họ dễ dao động trong sự lựa chọn những giá trị, chuẩn mực. Trước những tác động tiêu cực, họ thường dễ bị tập nhiễm cái xấu, cái xa lạ với bản chất văn hóa đạo đức của con người. Thực tế đã cho thấy một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên bị cuốn theo lối sống thực dụng, tiêu dùng, chỉ coi trọng sự giàu có vật chất mà xem thường các giá trị đạo đức, văn hóa tinh thần. Điều đó dẫn đến sự sa đọa trong tinh thần và lối sống, những tệ nạn xã hội và nhiều trường hợp đã dẫn tới hành vi phạm tội. Đây là một nguy cơ, hậu quả cần phải ngăn chặn và tìm cách xóa bỏ. Bởi vậy, quan niệm đạo đức của Lép Tônxtôi về cái thiện, tình yêu thương, nghĩa vụ và hạnh phúc chính là một trong những hành trang quan trọng để thế hệ trẻ mang theo khi bước chân vào cuộc sống, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam có cái nhìn biết yêu thương và chia sẻ, vượt qua được những cám dỗ vật chất tầm thường do tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và những giá trị ngoại lai phản văn hóa trong quá trình mở cửa, hội nhập. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng như của Việt Nam chỉ ra rằng chúng ta không thể chấp nhận sự tăng trưởng đơn thuần về kinh tế với cái giá phải trả là sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc, sự hủy họai các giá trị đạo đức truyền thống. 

Chính đạo đức với những giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại, cái thiện, hạnh phúc, nghĩa vụ, tinh thần chịu đựng gian khổ có tác dụng củng cố, phát triển mối quan hệ xã hội, tạo ra sức mạnh cho con người Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn trong lịch sử để tồn tại, phát triển. Cho nên việc bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc và có sự quan tâm đặc biệt cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Nhưng để gìn giữ, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam thì cần phải nghiên cứu, hiểu biết sâu rộng lịch sử đạo đức, trong đó có quan niệm đạo đức của Lép Tônxtôi. Bản thân tác giả là người dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật gắn liền với vấn đề đạo đức, nhất là tác phẩm Đường sống - tác phẩm chính luận đặc sắc của Lép Tônxtôi. 

Với những lý do nêu trên, tôi chọn đề tài “Quan niệm của Lép Tônxtôi về đạo đức trong tác phẩm Đường sống” để thực hiện luận văn thạc sỹ triết học của mình.

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh