Vai trò giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức cho thanh niên huyện Ba Vì hôm nay (Luận văn thạc sĩ triết học) (Download)

Vai trò giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức cho thanh niên huyện Ba Vì hôm nay (Luận văn thạc sĩ triết học) (Download)

Việt Nam là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời với những giá trị truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là các giá trị đạo đức truyền thống mang đậm tính nhân văn cao cả, đặc trưng cho cốt lõi văn hóa, tinh thần dân tộc. Xã hội càng phát triển, con người càng cần phải hiểu sâu sắc hơn những giá trị truyền thống của dân tộc mình. Càng hướng tới sự văn minh và hiện đại, xã hội càng phải chú trọng đảm bảo những gía trị đạo đức, văn hóa đạo đức trong phát triển. Nếu không biết kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc thì xã hội sẽ không thể phát triển bền vững, cuộc sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng không thể bình yên, hạnh phúc. Là lực lượng nắm giữ vận mệnh đất nước trong tương lai, hơn ai hết, thế hệ thanh niên Việt Nam càng cần phải được kế thừa, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, tiếp thu di sản quý báu mà ông cha để lại, tiếp tục giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho nó trường tồn cùng lịch sử. Thực tế cho thấy, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thanh niên cũng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn vong và phát triển của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với thanh niên. Khi đánh giá về thanh niên Hồ Chí Minh khẳng định: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Nhận thức đúng vị trí, vai trò của thanh niên Đảng ta khẳng định: “Sự nghiệp của đất nước ta thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không chủ yếu là do lực lượng thanh niên ngày nay quyết định. Tương lai của dân tộc Việt Nam, sự phát triển của đất nước tuỳ thuộc vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên” [71, tr7]. 


Chính vì vậy việc giáo dục, đào tạo bồi dưỡng thế hệ thanh niên là một việc làm thường xuyên và cần thiết. Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã và đang mang lại những kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với những thành tựu đó đã tạo điều kiện cho thanh niên học tập, giao lưu với các nước, đặc biệt là các nước có nền khoa học - công nghệ tiên tiến. Từ đó giúp cho thanh niên tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu, có cơ hội tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại. Ngoài ra, chính sự năng động của cơ chế thị trường đã tôi luyện cho thanh niên có được bản lĩnh đáng quý: nhạy bén, quyết đoán, thích khám phá cái mới, vươn lên để tự khẳng định mình. Thế nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được đã nảy sinh những hạn chế nhất định do cơ chế thị trường mang lại, đó là sự xuất hiện đến mức báo động các hiện tượng phản đạo đức, phi nhân tính trong đời sống xã hội. Chính lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, thói ích kỷ, buông thả, phai mờ lý tưởng, bất chấp đạo lý… đang từng ngày, từng giờ làm xói mòn, băng hoại những nét đẹp văn hoá, đặc biệt là những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. 

Trước những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa hiện nay đã đặt ra hàng loạt vấn đề đối với thanh niên là làm thế nào để thanh niên trong tương lai đủ sức đáp ứng yêu cầu của đất nước đặt ra? Làm thế nào để họ có thể tự định hướng đúng, hình thành và rèn luyện phẩm chất đạo đức trong đời sống kinh tế thị trường hiện nay? Làm thế nào để những ảnh hưởng tiêu cực không làm suy giảm nguồn lực trẻ...? Do vậy, việc xây dựng đạo đức cho thanh niên càng cần thiết phải chú trọng kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, chuẩn bị đầy đủ hành trang từ truyền thống, nhằm tạo nền tảng, bệ đỡ tinh thần cho họ vững bước vào đời. Có như vậy, sự phát triển nhân cách, đạo đức của thanh niên mới tránh được những hụt hẫng, lệch lạc, những xung đột có tính thế hệ và giá trị. 

Mặc dù Đảng ta có nhiều quan điểm, chủ trương nhằm kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng đạo đức cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung, cho thanh niên nói riêng, thế nhưng việc cụ thể hoá các quan điểm, đường lối ấy của Đảng ở một số nơi làm chưa tốt. Ba Vì là một huyện bán sơn địa, nằm phía Tây Bắc cuả thủ đô Hà Nội. Với số dân là hơn 265.000 người (2009), trong đó thanh niên chiếm tương đối lớn với khoảng 81000 người (2009). Đây là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Ba vì nói riêng và cả nước nói chung. Mặc dù các chủ thể giáo dục đã có nhiều cố gắng trong quá trình giáo dục các giá trị đạo đức cho thanh niên, thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm cho hiệu quả giáo dục chưa cao, thậm chí ở một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức Đoàn còn xem nhẹ hoặc chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho thanh niên. Điều đó đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải nhận thức đúng đắn, sự cần thiết và tìm ra những giải pháp thích hợp để phát huy tốt các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức cho thanh niên cả nước nói chung và thanh niên huyện Ba Vì hiện nay nói riêng. 

Vì vậy, Tôi chọn đề tài “Vai trò giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức cho thanh niên huyện Ba Vì hiện nay”làm đề tài nghiên cứu. 

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh