Quan điểm của triết học Mác - Lênin về quan hệ cá nhân và xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân và lãnh tụ trong lịch sử - Triết học Mác - Lênin

Quan điểm của triết học Mác - Lênin về quan hệ cá nhân và xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân và lãnh tụ trong lịch sử - Triết học Mác - Lênin



Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Triết học Mác - Lênin

V- TRIẾT HỌC VỀ CON NGƯỜI


3. Quan điểm của triết học Mác - Lênin về quan hệ cá nhân và xã hội, về vai trò của quần chúng nhân dân và lãnh tụ trong lịch sử

a) Quan hệ giữa cá nhân và xã hội

Con người, xét về thực thể sinh học lẫn thực thể xã hội, vừa mang bản chất loài lẫn tính đặc thù cá thể; vừa là một vũ trụ thu nhỏ, riêng biệt, độc đáo, lại vừa mang đặc điểm chung, phổ biến của loài. Sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng trong con người khiến cho nó ở đỉnh cao của sự phát triển, trở thành “trung tâm” của vũ trụ, “con người là hoa của đất”. Ở động vật, sự thống nhất giữa cái chung của loài và cái riêng của cá thể, dù ở trình độ cao thì cũng chỉ ở phương diện sinh vật. Trong khi đó, ở con người sự thống nhất ấy không chỉ ở trình độ cao nhất về phương diện sinh vật mà cả ở phương diện xã hội.

Con người là một hệ thống chỉnh thể thống nhất cá thể - loài, mang cả những thuộc tính cá thể, đơn nhất, lẫn những thuộc tính chung, phổ biến của loài; bản chất của con người là tổng hòa các quan hệ xã hội; là đại diện cho loài, cho xã hội, cho nhân loại, cho lịch sử loài người. Trong con người, do vậy, luôn có những cái chung toàn nhân loại, như các giá trị chung, nhu cầu chung, lợi ích chung, v.v.. Con người cũng là đại biểu của một xã hội cụ thể, một thời kỳ lịch sử xác định, có tính đặc thù, với các quan hệ xã hội xác định. Các quan hệ xã hội kết tinh trong mỗi con người luôn là quan hệ xã hội cụ thể của một thời đại, một gia đình, một nhóm xã hội, một cộng đồng, một tập đoàn, một giai cấp, một quốc gia - dân tộc xác định. Trong mỗi người còn có cả những cái riêng, cái đơn nhất, đặc thù của cá thể, cá nhân từ kinh nghiệm, tâm lý, trí tuệ, v.v. do những điều kiện sống, do đặc điểm sinh học quy định. Nhờ đó, mỗi con người là một cá thể, cá nhân riêng biệt, khác biệt nhau.

Cá nhân và xã hội không tách rời nhau. Xã hội do các cá nhân cụ thể hợp thành, mỗi cá nhân là một phần tử của xã hội sống và hoạt động trong xã hội đó. Khi mới sinh ra, chưa có ý thức, chưa có các quan hệ xã hội thì con người mới chỉ là cá thể. Chỉ khi cá thể đó giao tiếp xã hội, có những quan hệ xã hội xác định, có ý thức mới trở thành cá nhân. Cá nhân không thể tách rời xã hội. Quan hệ cá nhân - xã hội là tất yếu, là tiền đề, điều kiện tồn tại và phát triển của cả cá nhân lẫn xã hội. Đương nhiên, quan hệ ấy phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể, vào trình độ phát triển xã hội và của từng cá nhân, đặc biệt là phụ thuộc vào bản chất của xã hội. Quan hệ cá nhân - xã hội là khác nhau trong xã hội có phân chia giai cấp và xã hội không phân chia giai cấp. Sự thống nhất và mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội là một phạm trù lịch sử, phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Sự thống nhất cá nhân và xã hội còn thể hiện ở một góc độ khác trong quan hệ con người giai cấp và con người nhân loại. Quan hệ con người giai cấp và con người nhân loại chỉ tồn tại trong xã hội có phân chia giai cấp, do vậy nó có tính lịch sử. Mỗi con người cá nhân trong xã hội có giai cấp đều mang tính giai cấp do nó luôn là thành viên của một giai cấp, tầng lớp xã hội xác định. Trong các quan hệ xã hội mà con người sống và hoạt động luôn có quan hệ giai cấp và các quan hệ đó luôn đóng vai trò quyết định, chi phối các hành vi và hoạt động của nó, đặc biệt, quy định lợi ích và hoạt động thực hiện các lợi ích ấy. Mặt khác, mỗi cá nhân, dù thuộc về giai cấp nào cũng đều mang tính nhân loại. Nhân loại là cộng đồng người phổ biến rộng rãi nhất, được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Tính nhân loại được thể hiện trong các giá trị chung toàn nhân loại, trong những quy tắc, chuẩn mực chung xuất hiện trên nền tảng lợi ích chung, từ bản chất người của các cá nhân tạo nên cộng đồng nhân loại.

Tính giai cấp và tính nhân loại trong mỗi con người vừa thống nhất vừa khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau. Tính nhân loại là vĩnh hằng, là nền tảng của cuộc sống ở mọi con người, dù khác biệt màu da, quốc tịch, giai cấp, tộc người, hay giới tính, độ tuổi, học vấn, v.v.. Chỉ khi nào không còn tồn tại nhân loại thì khi đó tính nhân loại mới mất đi. Nhưng, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lại tồn tại các giai cấp khác nhau. Các giai cấp và quan hệ của chúng biến đổi thường xuyên do các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội luôn thay đổi. Con người với tư cách là những chủ thể xã hội luôn có những hoạt động để cải biến điều kiện khách quan tạo nên những điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn cho mình. Chính điều đó đã làm cho các điều kiện sinh sống của con người luôn biến đổi, các lực lượng sản xuất luôn phát triển, xã hội luôn thay đổi theo chiều hướng tiến bộ. Nhưng, trong các giai cấp đang đấu tranh với nhau, có giai cấp đại diện cho sự phát triển tiến bộ, có giai cấp lại là lực lượng cản trở sự phát triển tiến bộ ấy. Tính giai cấp trong những con người đại biểu cho giai cấp đang cản trở sự phát triển ấy tất nhiên mâu thuẫn với tính nhân loại.

Mỗi con người đều sinh ra, lớn lên trong một cộng đồng quốc gia, dân tộc xác định. Do những điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị khác nhau nên trong mỗi cộng đồng quốc gia, dân tộc cũng hình thành những giá trị, phẩm chất, đặc điểm đặc thù của mình. Con người tất yếu mang trong mình những điểm đặc thù đó, dù họ muốn hay không, dù ý thức được điều đó hay không. Do vậy, trong mỗi con người cá nhân luôn luôn mang trong mình cả những cái riêng biệt với tư cách là cá nhân, vừa mang trong mình cả những cái đặc thù của quốc gia, dân tộc, vừa mang cả tính giai cấp lẫn tính nhân loại. Với tư cách là chủ thể hoạt động sự gắn kết, tác động biện chứng lẫn nhau giữa các phương diện, khía cạnh đó trong mỗi con người là luôn biến động, biện chứng, khách quan, tất yếu. Theo quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, tính giai cấp và tính dân tộc mang tính lịch sử sẽ mất dần theo sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Nhưng tính nhân loại và cá nhân sẽ là vĩnh viễn. Trong khi lịch sử nhân loại chưa đạt đến trình độ phát triển đó thì sự thống nhất giữa tính cá nhân, tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân loại là mục tiêu, yêu cầu và tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội. Giải quyết đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh khách quan mối quan hệ con người cá nhân, con người giai cấp, con người dân tộc, con người nhân loại luôn là đòi hỏi của hoạt động thực tiễn.

Các quan điểm trên đây về con người có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng. Trong hoạt động nhận thức và thực tiễn phải luôn chú ý giải quyết đúng đắn mối quan hệ xã hội - cá nhân, phải tránh khuynh hướng đề cao quá mức (mặt/cái) cá nhân hoặc (mặt/cái) xã hội. Nếu đặt cá nhân lên trên xã hội, chỉ thấy cá nhân mà không thấy xã hội, đem cá nhân đối lập với xã hội, hoặc ngược lại, chỉ đề cao xã hội mà bỏ quên cá nhân, không nhận thức đúng sự phát triển của xã hội là sự kết hợp hoạt động của các cá nhân, thì đều sai lầm và có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường cho cả xã hội lẫn cá nhân.

Hơn nữa, trong đời sống xã hội khi xem xét con người phải đặt trong tổng thể các quan hệ xã hội, bởi trong tính hiện thực, bản chất của con người là tổng thể các quan hệ xã hội. Điều này cũng gắn liền với nguyên tắc lịch sử - cụ thể và nguyên tắc toàn diện. Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhìn vào một mặt/khía cạnh/phương diện của một con người để đánh giá bản chất của người đó. Xem xét một con người phải đặt con người đó trong tổng thể các quan hệ của chính người đó.

b) Vai trò của quần chúng nhân dân và lãnh tụ trong lịch sử

Đây là một trong những nội dung quan trọng của triết học Mác. Nội dung này được triết học Mác luận giải một cách khoa học trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ nghĩa duy vật biện chứng và toàn bộ các nội dung khác của chủ nghĩa duy vật lịch sử, là sự vận dụng nhất quán chủ nghĩa duy vật và phương pháp biện chứng duy vật vào lý luận về vai trò của con người trong tiến trình lịch sử.

Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, vấn đề này đã được đề cập theo các lập trường tư tưởng khác nhau. Các tôn giáo đều cho rằng lịch sử vận động của xã hội là do Thượng đế, Chúa trời sắp đặt, các cá nhân buộc phải tuân thủ ý chí tối cao. Số phận con người, sự hoạt động của họ là do các thần linh, Thượng đế, Đấng Tối cao quyết định. Các trào lưu duy tâm cho rằng lịch sử xã hội là do các bậc vua chúa, các vĩ nhân, những người đặc biệt có tài cao, sức lớn điều khiển, còn quần chúng nhân dân chỉ là những đám đông ô hợp, chịu sự điều khiển của các bậc vua chúa, các vĩ nhân, của những người đặc biệt đó. Họ chỉ là phương tiện, “con rối” trong tay của những người này. Các nhà duy vật trước C. Mác thường phủ nhận vai trò của Thượng đế, thần linh, Đấng Tối cao và khẳng định rằng sự biến đổi của xã hội là do một nhân tố xã hội xác định nào đó quyết định, như đạo đức, tình yêu thương, những người có đầu óc phê phán hoặc sớm nhận thức được chân lý. Nhưng, do những nguyên nhân khác nhau, họ cũng đã rơi vào duy tâm khi tuyệt đối hóa vai trò của các nhân tố đó.

Theo quan điểm triết học Mác - Lênin, xã hội biến đổi nhờ hoạt động của toàn thể quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của các tổ chức hoặc cá nhân nhằm thực hiện một mục đích nào đó. Mối quan hệ giữa vai trò của quần chúng nhân dân với cá nhân chính là quan hệ giữa vai trò của nhân dân lao động với cá nhân lãnh tụ/vĩ nhân. Một mặt, quan hệ này thể hiện một phần nội dung quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Mặt khác, lại chứa đựng những nội dung mới, khác biệt, bởi trong quan hệ này chính là quan hệ với những cá nhân đặc biệt, cá nhân lãnh tụ/vĩ nhân.

Quần chúng nhân dân là thuật ngữ chỉ tập hợp đông đảo những con người hoạt động trong một không gian và thời gian xác định, bao gồm nhiều thành phần, tầng lớp xã hội và giai cấp đang hoạt động trong một xã hội xác định. Đó có thể là toàn bộ quần chúng nhân dân của một quốc gia, một khu vực lãnh thổ xác định. Họ có chung lợi ích cơ bản liên hiệp với nhau, chịu sự lãnh đạo của một tổ chức, một đảng phái, cá nhân xác định để thực hiện những mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa hay xã hội xác định của một thời kỳ lịch sử nhất định. Nội hàm của khái niệm quần chúng nhân dân bao gồm: Những người lao động sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần là lực lượng căn bản, chủ chốt; toàn thể dân cư đang chống lại những kẻ áp bức, bóc lột thống trị và đối kháng với nhân dân; những người đang có các hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần vào sự biến đổi xã hội. Với nội dung đó quần chúng nhân dân là một phạm trù lịch sử thay đổi tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể của các quốc gia, khu vực.

Cá nhân chính là con người cụ thể đang hoạt động trong một xã hội xác định thể hiện tính đơn nhất với tư cách là cá thể về phương diện sinh học, với tư cách là nhân cách về phương diện xã hội. Khác với khái niệm con người dùng để chỉ tính phổ biến về bản chất người trong mỗi cá nhân, khái niệm cá nhân nhấn mạnh tính đặc thù riêng biệt của mỗi cá thể về phương diện xã hội. Cá nhân là một chỉnh thể vừa mang tính đơn nhất, cá biệt, riêng biệt lại vừa có tính phổ biến, có đời sống riêng, có nguyện vọng, nhu cầu và lợi ích riêng. Nhưng cá nhân cũng bao hàm tính chung, phổ biến, chứa đựng các quan hệ xã hội và những nhận thức chung giúp cho việc thực hiện các chức năng xã hội và cá nhân trong cuộc đời của họ và mang tính chất lịch sử - cụ thể của đời sống của họ. Do đó, cá nhân bao giờ cũng mang bản chất xã hội, yếu tố xã hội là đặc trưng căn bản để tạo nên cá nhân do cá nhân luôn phải sống và hoạt động trong các nhóm khác nhau, các cộng đồng và các tập đoàn xã hội có tính lịch sử.

Trong số các cá nhân ở những thời kỳ lịch sử nhất định, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, xác định xuất hiện những cá nhân kiệt xuất, trở thành những người lãnh đạo quần chúng nhân dân nhằm thực hiện một mục tiêu xác định. Đó là những lãnh tụ hay vĩ nhân. Ngoài các phẩm chất cá nhân lãnh tụ/vĩ nhân là những cá nhân kiệt xuất, xuất hiện trong phong trào quần chúng nhân dân, nhận thức được một cách đúng đắn, nhanh nhạy, kịp thời những yêu cầu, các quy luật, những vấn đề căn bản nhất của một lĩnh vực hoạt động nhất định của đời sống xã hội hoặc là kinh tế, hoặc là chính trị, hoặc là văn hóa, khoa học, nghệ thuật, v.v.. Họ dám quên mình vì lợi ích của quần chúng nhân dân, có năng lực nhận thức và tổ chức hoạt động thực tiễn. Lãnh tụ còn là người có những phẩm chất xã hội, như được quần chúng nhân dân tín nhiệm, gắn bó mật thiết với nhân dân, có khả năng tập hợp quần chúng nhân dân, thống nhất nhận thức, ý chí và hành động của nhân dân, có năng lực tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà thời đại đặt ra.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã luận giải và luận chứng một cách đúng đắn mối quan hệ giữa vai trò của lãnh tụ và vai trò của quần chúng nhân dân trong sự phát triển xã hội. Quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính, là động lực phát triển của lịch sử. Vai trò đó của quần chúng nhân dân được thể hiện ở các nội dung sau đây:

- Yếu tố căn bản và quyết định của lực lượng sản xuất là quần chúng nhân dân lao động. Đó là yếu tố động lực nhất, cách mạng nhất trong lực lượng sản xuất, làm cho phương thức sản xuất vận động và phát triển, thúc đẩy xã hội phát triển. Đó là lực lượng cơ bản của xã hội sản xuất ra toàn bộ của cải vật chất, là tiền đề và cơ sở cho sự tồn tại, vận động và phát triển của mọi xã hội, trong mọi thời kỳ lịch sử.

- Trong mọi cuộc cách mạng xã hội cũng như ở các giai đoạn biến động của xã hội, quần chúng nhân dân luôn là lực lượng chủ yếu, cơ bản và quyết định mọi thắng lợi của các cuộc cách mạng và những chuyển biến của đời sống xã hội. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, bắt đầu từ sự phát triển của các lực lượng sản xuất, đến một giai đoạn phát triển nhất định nó mâu thuẫn với các quan hệ sản xuất, làm xuất hiện các cuộc cách mạng xã hội. Như vậy, nguyên nhân của mọi cuộc cách mạng bắt đầu từ hoạt động sản xuất vật chất của quần chúng nhân dân. Họ thực sự là chủ thể, lực lượng căn bản và chủ chốt, là động lực cơ bản của mọi quá trình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, và của mọi cuộc cách mạng xã hội.

- Toàn bộ các giá trị văn hóa, tinh thần và đời sống tinh thần nói chung đều do quần chúng nhân dân sáng tạo ra. Những sáng tạo trực tiếp của quần chúng nhân dân trong lĩnh vực này là điều kiện, tiền đề, là nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, tinh thần. Hoạt động phong phú, đa dạng của quần chúng nhân dân trong thực tiễn là nguồn mạch cảm hứng vô tận, là chất liệu không bao giờ cạn kiệt, là nguồn tài nguyên bất tận cho mọi sáng tạo tinh thần. Quần chúng nhân dân cũng là người gạn lọc, lưu giữ, truyền bá và phổ biến các giá trị tinh thần làm cho nó được bảo tồn vĩnh viễn.

Tùy thuộc vào những điều kiện lịch sử khác nhau mà vai trò của quần chúng nhân dân cũng được thể hiện khác nhau. Xã hội càng công bằng, dân chủ, tự do, bình đẳng thì càng phát huy được vai trò của cá nhân và của quần chúng nhân dân nói chung.

Trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân, lãnh tụ đóng vai trò hết sức to lớn, vô cùng quan trọng. Khi lịch sử đặt ra những nhiệm vụ cần phải giải quyết thì từ trong quần chúng nhân dân sẽ xuất hiện những lãnh tụ để giải quyết những nhiệm vụ đó của lịch sử. Mọi phong trào đều sẽ thất bại nếu chưa tìm ra cho mình được những lãnh tụ xứng đáng. “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”[1].

Lãnh tụ hay cá nhân kiệt xuất phải nhận thức đúng đắn được các quy luật khách quan của đời sống xã hội, hiểu biết sâu sắc các xu thế phát triển của quốc gia, dân tộc, của thời đại và của phong trào; phải có kế hoạch, chương trình, biện pháp và chiến lược hoạt động cho phong trào quần chúng nhân dân và cho bản thân phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể; đồng thời lãnh tụ cũng phải thuyết phục được quần chúng nhân dân, thống nhất ý chí và hành động của họ, tập hợp và tổ chức lực lượng để thực hiện thành công các kế hoạch, chương trình, chiến lược và các mục tiêu đã được xác định. Hoạt động của lãnh tụ có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của phong trào quần chúng nhân dân, từ đó có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển xã hội. Hoạt động của lãnh tụ sẽ thúc đẩy sự phát triển xã hội, nếu họ hành động theo các quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, và ngược lại, sẽ kìm hãm sự phát triển xã hội hoặc tạo nên những sự vận động quanh co, phức tạp cho xã hội. Lãnh tụ cũng có vai trò to lớn đối với sự tồn tại, hoạt động của các tổ chức quần chúng nhân dân mà họ là những người tổ chức hoặc sáng lập và điều hành. Các lãnh tụ gắn với những thời đại lịch sử nhất định và những phong trào cụ thể, do vậy, họ chỉ có thể hoàn thành được những nhiệm vụ của thời đại và phong trào đó.

Quan hệ giữa lãnh tụ với quần chúng nhân dân là quan hệ thống nhất, biện chứng thể hiện trên các nội dung sau đây:

- Mục đích và lợi ích của quần chúng nhân dân và lãnh tụ là thống nhất. Đó là điểm then chốt và căn bản quyết định sự thành bại của phong trào và sự xuất hiện của lãnh tụ. Lợi ích của họ có thể biểu hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng lợi ích luôn là cầu nối, liên kết, là mắt xích quyết định, là động lực để quần chúng nhân dân và lãnh tụ có thể kết thành khối xã hội thống nhất về ý chí và hành động. Tuy nhiên, lợi ích của họ luôn vận động, biến đổi không ngừng phụ thuộc vào địa vị lịch sử, bối cảnh khách quan mà phong trào quần chúng nhân dân và lãnh tụ của họ đang tồn tại, hoạt động trong đó, phụ thuộc vào năng lực nhận thức và vận dụng các quy luật khách quan để thực hiện các lợi ích đó.

- Quần chúng nhân dân và phong trào của họ tạo nên các lãnh tụ, những điều kiện, tiền đề khách quan để các lãnh tụ xuất hiện và hoàn thành các nhiệm vụ mà lịch sử đặt ra cho họ. Lãnh tụ là sản phẩm của thời đại, của cộng đồng, của phong trào. Sự xuất hiện của họ và khả năng giải quyết được các nhiệm vụ của lịch sử nhanh hoặc chậm, nhiều hoặc ít sẽ thúc đẩy sự vận động, phát triển của phong trào quần chúng nhân dân.

- Trong mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa quần chúng nhân dân và lãnh tụ, chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định vai trò quyết định của quần chúng nhân dân, đồng thời đánh giá cao vai trò của lãnh tụ. Quần chúng nhân dân là lực lượng đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của lịch sử xã hội, là động lực của sự phát triển đó. Lãnh tụ là người dẫn dắt, định hướng cho phong trào, thúc đẩy phong trào phát triển, do đó thúc đẩy sự phát triển của lịch sử xã hội.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với lãnh tụ có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng. Lãnh tụ có vai trò quan trọng, nhưng không thể tuyệt đối hóa vai trò của họ dẫn đến tệ sùng bái cá nhân, thần thánh hóa lãnh tụ, coi nhẹ quần chúng nhân dân, hạn chế việc phát huy tính năng động, sáng tạo của quần chúng nhân dân, phải chống lại tệ sùng bái cá nhân. Ngược lại, việc tuyệt đối hóa vai trò của quần chúng nhân dân, xem nhẹ vai trò của các cá nhân và lãnh tụ sẽ dẫn đến hạn chế, xem thường các sáng kiến cá nhân, những sáng tạo của quần chúng nhân dân, không phát huy được sức mạnh sáng tạo của họ. Quần chúng nhân dân luôn là người thầy vĩ đại của các cá nhân, lãnh tụ.

Kết hợp hài hòa, hợp lý, khoa học vai trò của quần chúng nhân dân và lãnh tụ trong từng điều kiện cụ thể xác định sẽ tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào và sự vận động, phát triển của cộng đồng, xã hội nói chung.



[1]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.473.




TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh