Hiện tượng tha hóa con người và vấn đề giải phóng con người - Triết học Mác - Lênin

Hiện tượng tha hóa con người và vấn đề giải phóng con người - Triết học Mác - Lênin



Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Triết học Mác - Lênin

V- TRIẾT HỌC VỀ CON NGƯỜI


2. Hiện tượng tha hóa con người và vấn đề giải phóng con người

a) Thực chất của hiện tượng tha hóa con người là lao động của con người bị tha hóa

Theo C. Mác, thực chất của lao động bị tha hóa là quá trình lao động và sản phẩm của lao động từ chỗ để phục vụ con người, để phát triển con người đã bị biến thành lực lượng đối lập, nô dịch và thống trị con người[1]. Người lao động chỉ hành động với tư cách là con người khi thực hiện các chức năng sinh học như ăn, ngủ, sinh con,...; còn khi lao động, tức là khi thực hiện chức năng cao quý của con người thì họ lại chỉ như là con vật.

Theo quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, hiện tượng tha hóa của con người là một hiện tượng lịch sử đặc thù, chỉ diễn ra trong xã hội có phân chia giai cấp. Nguyên nhân gây nên hiện tượng tha hóa con người là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Nhưng tha hóa con người được đẩy lên cao nhất trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Chế độ đó đã tạo ra sự phân hóa xã hội về việc chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất khiến đại đa số người lao động trở thành vô sản, một số ít trở thành tư sản, chiếm hữu toàn bộ các tư liệu sản xuất của xã hội. Vì vậy, những người vô sản buộc phải làm thuê cho các nhà tư sản, phải để các nhà tư sản bóc lột mình và sự tha hóa lao động bắt đầu từ đó. Lao động bị tha hóa là nội dung chính yếu, là nguyên nhân, là thực chất của sự tha hóa của con người.

Con người bị tha hóa là con người bị đánh mất mình trong lao động, tức là trong hoạt động đặc trưng, bản chất của con người. Lao động là hoạt động sáng tạo của con người, là đặc trưng chỉ có ở con người chứ không có ở con vật, là hoạt động người, nhưng khi hoạt động lại trở thành hoạt động của con vật. Lao động bị cưỡng bức, bị ép buộc bởi điều kiện xã hội. Con người lao động không phải để sáng tạo, không phải để phát triển các phẩm chất người mà chỉ là để đảm bảo sự tồn tại của thể xác họ. Điều đó có nghĩa rằng họ đang thực hiện chức năng của con vật. Khi họ ăn uống, sinh con thì họ lại là con người vì họ được tự do. Tính chất trái ngược trong chức năng như vậy là biểu hiện đầu tiên của sự tha hóa của con người.

Trong hoạt động lao động, con người là chủ thể trong quan hệ với tư liệu sản xuất. Nhưng vì trong chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa thì người lao động phải phụ thuộc vào các tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất là do con người tạo ra. Như vậy, con người bị lệ thuộc vào sản phẩm do chính mình tạo ra. Mặt khác, để có tư liệu sinh hoạt, người lao động buộc phải lao động cho các chủ tư bản, sản phẩm của họ làm ra trở nên xa lạ với chính mình và được chủ sở hữu dùng để trói buộc họ, bắt họ lệ thuộc nhiều hơn vào chủ sở hữu và vào các vật phẩm lao động. Lao động bị tha hóa đã làm đảo lộn quan hệ xã hội của người lao động. Các đồ vật đã trở thành xa lạ, trở thành công cụ thống trị, trói buộc con người. Quan hệ giữa người lao động với chủ sở hữu tư liệu sản xuất cũng bị đảo lộn. Đúng ra đó phải là quan hệ giữa người với người, nhưng trong thực tế nó lại được thực hiện thông qua số vật phẩm do người lao động tạo ra và số tiền công mà người lao động được trả. Quan hệ giữa người và người đã bị thay thế bằng quan hệ giữa người và vật. Đó là biểu hiện thứ hai của tha hóa.

Khi lao động bị tha hóa, con người trở nên què quặt, phiến diện, khuyết thiếu trên nhiều phương diện khác nhau. Sự tha hóa nói trên tất yếu làm cho con người phát triển không thể toàn diện, không thể đầy đủ, và không thể phát huy được sức mạnh bản chất người. Người lao động ngày càng bị bần cùng hóa, sự phân cực xã hội ngày càng lớn. Sản xuất, công nghiệp, khoa học và công nghệ càng phát triển, lợi nhuận của các chủ sở hữu tư liệu sản xuất càng lớn, người lao động ngày càng bị máy móc thay thế. Quá trình lao động ngày càng trở thành quá trình thực hiện các thao tác giản đơn do dây chuyền công nghệ, kỹ thuật quy định, người lao động càng bị đẩy ra khỏi quá trình sản xuất trực tiếp thì lao động càng bị tha hóa, người công nhân trở thành một bộ phận của máy móc và ngày càng phụ thuộc vào nó, lao động càng trở nên “dã man”[2]. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, và toàn cầu hóa hiện nay, khía cạnh này của sự tha hóa lao động ngày càng thể hiện tập trung và rõ nét khiến cho sự phân cực giàu - nghèo trong xã hội hiện đại ngày càng doãng rộng theo chiều tỷ lệ thuận với sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ và toàn cầu hóa.

Tha hóa con người là thuộc tính vốn có của các nền sản xuất dựa trên chế độ tư hữu tư liệu sản xuất, nhưng nó được đẩy lên ở mức cao nhất trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong nền sản xuất đó, sự tha hóa của lao động còn được tạo nên bởi sự tha hóa trên các phương diện khác của đời sống xã hội: Sự tha hóa của nền chính trị vì thiểu số ích kỷ, sự tha hóa các tư tưởng của tầng lớp thống trị, sự tha hóa của các thiết chế xã hội khác. Chính vì vậy, việc khắc phục sự tha hóa không chỉ gắn liền với việc xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa mà còn gắn liền với việc khắc phục sự tha hóa trên các phương diện khác của đời sống xã hội. Đó là một quá trình lâu dài, phức tạp để giải phóng con người, giải phóng lao động.

b) “Vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức”[3]

Đây là một trong những tư tưởng căn bản, cốt lõi của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin về con người. Giải phóng con người được các nhà kinh điển triển khai trong nhiều nội dung lý luận và trên nhiều phương diện khác nhau. Đấu tranh giai cấp để thay thế chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, để giải phóng con người về phương diện chính trị là nội dung quan trọng hàng đầu. Khắc phục sự tha hóa của con người và của lao động của họ, biến lao động sáng tạo trở thành chức năng thực sự của con người là nội dung có ý nghĩa then chốt. Điều kiện và tiền đề để giải phóng triệt để con người là xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và sức sản xuất phát triển ở trình độ rất cao. Đó là quá trình lịch sử lâu dài[4].

“Xã hội không thể nào giải phóng cho mình được, nếu không giải phóng cho mỗi cá nhân riêng biệt”[5]. Theo quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, việc giải phóng những con người cụ thể là để đi đến giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và tiến tới giải phóng toàn thể nhân loại. Việc giải phóng con người được quan niệm một cách toàn diện, đầy đủ, ở tất cả các nội dung và phương diện của con người, cộng đồng, xã hội và nhân loại với tư cách là các chủ thể ở các cấp độ khác nhau. Mục tiêu cuối cùng trong tư tưởng về con người của chủ nghĩa Mác - Lênin là giải phóng con người trên tất cả các nội dung và các phương diện: lao động, chính trị, kinh tế, xã hội, năng lực, con người cá nhân, con người giai cấp, con người dân tộc, con người nhân loại, v.v..

Tư tưởng về giải phóng con người trong triết học Mác - Lênin hoàn toàn khác với các tư tưởng giải phóng con người của các học thuyết khác đã và đang tồn tại trong lịch sử. Tôn giáo quan niệm giải phóng con người là sự giải thoát khỏi cuộc sống tạm, khỏi bể khổ cuộc đời để lên cõi niết bàn hoặc lên thiên đường ở kiếp sau. Một số học thuyết triết học duy vật cũng đã đề xuất tư tưởng giải phóng con người bằng một vài phương tiện nào đó trong đời sống xã hội: pháp luật, đạo đức, chính trị. Tính chất phiến diện, hạn hẹp, siêu hình trong nhận thức về con người, về các quan hệ xã hội và do những hạn chế về điều kiện lịch sử đã khiến cho những quan điểm đó sa vào lập trường duy tâm, siêu hình.

“Bất kỳ sự giải phóng nào cũng bao hàm ở chỗ là nó trả thế giới con người, những quan hệ của con người về với bản thân con người”[6], “là sự xóa bỏ một cách tích cực mọi sự tha hóa”[7]. Tư tưởng đó thể hiện chính xác thực chất của sự giải phóng con người, thể hiện lập trường duy vật biện chứng, khách quan, khoa học trong việc nhận thức nguồn gốc, bản chất và đời sống của con người và phương thức giải phóng con người.

c) “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[8]

Khi chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa bị thủ tiêu, lao động không còn bị tha hóa, con người được giải phóng, khi đó xã hội là sự liên hiệp của các cá nhân, con người bắt đầu được phát triển tự do. Con người là sự thống nhất giữa cá nhân và xã hội, cá nhân với giai cấp, dân tộc và nhân loại, bản chất của con người là tổng hòa các quan hệ xã hội. Do vậy, sự phát triển tự do của mỗi người tất yếu là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người. Dĩ nhiên, điều đó cũng có nghĩa là sự phát triển tự do của mọi người, sự phát triển của xã hội là tiền đề cho sự phát triển của mỗi cá nhân trong đó. Sự phát triển tự do của mỗi người chỉ có thể đạt được khi con người thoát khỏi sự tha hóa, thoát khỏi sự nô dịch do chế độ tư hữu các tư liệu sản xuất bị thủ tiêu triệt để, khi sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay không còn, khi con người không còn bị trói buộc bởi sự phân công lao động xã hội.

Những tư tưởng về con người trong triết học của chủ nghĩa Mác được đề cập trên đây là những tư tưởng cơ bản, đóng vai trò là “kim chỉ nam”, là cơ sở lý luận khoa học, định hướng cho các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa và tư tưởng trong gần hai thế kỷ qua. Những tư tưởng đó còn là tiền đề lý luận và phương pháp luận đúng đắn cho sự phát triển của khoa học xã hội. Ngày nay, những tư tưởng đó vẫn tiếp tục là cơ sở, tiền đề cho các quan điểm, lý luận về con người và về xã hội, cho các khoa học hiện đại về con người nói chung.

Lý luận về con người của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận duy vật biện chứng triệt để mang tính khoa học và cách mạng, góp phần tạo nên cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Lý luận đó ngày càng được khẳng định tính đúng đắn, khoa học trong bối cảnh hiện nay và vẫn tiếp tục là “kim chỉ nam” cho hành động, là nền tảng lý luận cho việc nghiên cứu, giải phóng và phát triển con người trong hiện thực.


[1]. Xem C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.126-146.

[2]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.131.

[3]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.11-12.

[4]. Xem thêm các tác phẩm của C. Mác và Ph. Ăngghen: Bản thảo kinh tế - triết học, Gia đình thần thánh, Hệ tư tưởng Đức, Tuyên ngôn của Cộng sản, Chống Đuyrinh.

[5]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.406.

[6]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.557.

[7]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.168.

[8]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.628.




TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh