Dân tộc - Triết học Mác - Lênin

Dân tộc - Triết học Mác - Lênin




Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Triết học Mác - Lênin

Dân tộc

a) Các hình thức cộng đồng người trước khi hình thành dân tộc

Con người mang bản chất xã hội nên tồn tại và phát triển trong những hình thức cộng đồng người nhất định. Hình thức cộng đồng người là cách thức tổ chức xã hội của con người trong những thời kỳ lịch sử xã hội khác nhau. Lịch sử phát triển của xã hội loài người cho đến nay là lịch sử phát triển của các hình thức cộng đồng người từ thấp đến cao: thị tộc, bộ lạc, bộ tộc và dân tộc. Trong các hình thức đó, dân tộc là hình thức cộng đồng người cao nhất, và phổ biến nhất của xã hội loài người hiện nay.

* Thị tộc

Ngay từ khi mới thoát khỏi giới động vật, con người đã sống thành tập đoàn, đó là những “bầy người nguyên thủy”. Khi tiến đến một trình độ cao hơn, những “bầy người” đó phát triển thành thị tộc. Ph. Ăngghen chỉ rõ: “thị tộc (trong chừng mực những tài liệu hiện có cho phép chúng ta phán đoán) là một thiết chế chung cho tất cả các dân dã man, cho tận đến khi họ bước vào thời đại văn minh, và thậm chí còn sau hơn nữa”[1]. Thị tộc vừa là thiết chế xã hội đầu tiên, vừa là hình thức cộng đồng người sớm nhất của loài người.

Thị tộc có những đặc điểm cơ bản: Các thành viên trong thị tộc đều tiến hành lao động chung, vai trò của các thành viên phụ thuộc vào vị trí của họ trong nền sản xuất nguyên thủy. Các thành viên của thị tộc có cùng một tổ tiên và nói chung một thứ tiếng; có những thói quen và tín ngưỡng chung; có một số yếu tố chung của nền văn hóa nguyên thủy. Mỗi thị tộc có một tên gọi riêng. Về tổ chức xã hội, thị tộc bầu ra tù trưởng, tộc trưởng, lãnh tụ quân sự để điều hành công việc chung của thị tộc. Quyền lực của tù trưởng, tộc trưởng, lãnh tụ quân sự được thực hiện dựa trên cơ sở của uy tín, đạo đức cá nhân của họ. Tù trưởng, tộc trưởng, lãnh tụ quân sự là do các thành viên của thị tộc bầu ra và họ có thể bị bãi miễn nếu không thực hiện được vai trò của mình. Mọi thành viên trong thị tộc đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.

* Bộ lạc

Bộ lạc là cộng đồng bao gồm những thị tộc có quan hệ cùng huyết thống hoặc các thị tộc có quan hệ hôn nhân liên kết với nhau. Bộ lạc là hình thức cộng đồng người phát triển từ thị tộc và do sự liên kết của nhiều thị tộc có cùng huyết thống tạo thành. Ph. Ăngghen viết: “một thị tộc đã được coi là một đơn vị cơ sở của xã hội, thì toàn bộ chế độ thị tộc, bào tộc và bộ lạc đều phát triển từ đơn vị ấy với một sự tất yếu hầu như không thể ngăn cản nổi - bởi vì đó là điều hoàn toàn tự nhiên”[2].

Bộ lạc có những đặc điểm cơ bản sau: Cơ sở kinh tế của bộ lạc là chế độ công hữu về đất đai và công cụ sản xuất. Các thành viên trong bộ lạc đều tiến hành lao động chung, quan hệ giữa các thành viên trong lĩnh vực sản xuất vật chất là bình đẳng. Cũng như thị tộc, mỗi bộ lạc có tên gọi riêng; các thành viên nói chung một thứ tiếng; có những tập quán và tín ngưỡng chung. Song lãnh thổ của bộ lạc có sự ổn định hơn so với thị tộc. Về tổ chức xã hội, đứng đầu bộ lạc là một hội đồng gồm những tù trưởng của các thị tộc tham gia bộ lạc và có một vị thủ lĩnh tối cao. Mọi vấn đề quan trọng trong bộ lạc đều được bàn bạc và thông qua trong hội đồng này. Trong quá trình phát triển, một bộ lạc có thể được tách ra thành các bộ lạc khác nhau, hoặc là có sự hợp nhất giữa nhiều bộ lạc thành liên minh các bộ lạc.

* Bộ tộc

Bộ tộc là hình thức cộng đồng người hình thành khi xã hội có sự phân chia thành giai cấp. Các bộ tộc được hình thành từ sự liên kết của nhiều bộ lạc sống trên một lãnh thổ nhất định. Nếu như thị tộc và bộ lạc chỉ bao gồm hầu hết những người có cùng huyết thống thì bộ tộc là sự liên kết của nhiều bộ lạc không cùng huyết thống. Ph. Ăngghen chỉ rõ: “Do việc mua bán ruộng đất, do sự phát triển hơn nữa của phân công lao động giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp, giữa thương nghiệp và hàng hải, và những thành viên của các thị tộc, bào tộc và bộ lạc chẳng bao lâu đã phải sống lẫn lộn với nhau; và lãnh thổ của bào tộc và bộ lạc đã phải thu nhận những người tuy cùng là đồng bào, nhưng lại không thuộc các tập đoàn ấy, tức là những người lạ xét về nơi ở”[3].

Bộ tộc hình thành cùng với chế độ chiếm hữu nô lệ; trong những xã hội bỏ qua chế độ chiếm hữu nô lệ thì bộ tộc hình thành cùng với chế độ phong kiến. Sự hình thành và phát triển của bộ tộc phức tạp hơn thị tộc và bộ lạc. Ở những nước khác nhau, những thời đại khác nhau, bộ tộc có những nét đặc thù riêng. Là một hình thức cộng đồng người trong lịch sử, bộ tộc có những đặc trưng chủ yếu sau: Mỗi bộ tộc có tên gọi riêng; có lãnh thổ riêng, mang tính ổn định; có một ngôn ngữ thống nhất. Nhưng vì mối liên hệ cộng đồng chưa phát triển nên tiếng nói chung đó còn chưa thực sự vững chắc. Bên cạnh tiếng nói chung, thổ ngữ của các bộ lạc vẫn được sử dụng rộng rãi. Trong bộ tộc đã xuất hiện những yếu tố chung về tâm lý, văn hóa. Về tổ chức xã hội, việc điều hành công việc xã hội thuộc về nhà nước. Nhà nước là công cụ do giai cấp thống trị tổ chức ra và phục vụ lợi ích cho giai cấp đó.

Với sự ra đời của bộ tộc, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại có một hình thức cộng đồng người được hình thành không theo huyết thống mà dựa trên những mối liên hệ về kinh tế, lãnh thổ và văn hóa, mặc dù những mối liên hệ đó còn chưa thực sự phát triển.

b) Dân tộc - hình thức cộng đồng người phổ biến hiện nay

* Khái niệm dân tộc

Dân tộc là hình thức cộng đồng người phát triển cao nhất từ trước đến nay. Khái niệm dân tộc được sử dụng theo hai nghĩa: Theo nghĩa rộng (nation) dùng để chỉ quốc gia - các quốc gia, dân tộc trên thế giới (như Việt Nam, Campuchia, Anh, Pháp...). Theo nghĩa hẹp (ethnie, ethnic group) dùng để chỉ cộng đồng tộc người - các dân tộc đa số và thiểu số trong một quốc gia (dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Mông, Vân Kiều, Êđê, Khmer...), trong đó, cộng đồng tộc người là yếu tố cấu thành quốc gia, dân tộc.

Mặc dù C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin chưa đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh về dân tộc, nhưng đã nêu ra những đặc trưng cơ bản của dân tộc, phân tích một cách khoa học quy luật hình thành, phát triển của dân tộc và chỉ rõ lập trường của giai cấp vô sản đối với vấn đề dân tộc. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, giai cấp tư sản đã ngày càng xóa bỏ tình trạng phân tán về tư liệu sản xuất, tài sản, dân cư và đã tạo nên những “dân tộc thống nhất, có một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhất mang tính giai cấp và một hàng rào thuế quan thống nhất”[4]. J. Stalin đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển lý luận về vấn đề dân tộc: “Dân tộc là một khối cộng đồng người ổn định được thành lập trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, lãnh thổ, sinh hoạt kinh tế và tâm lý, biểu hiện trong cộng đồng văn hóa”[5]. Như vậy, có thể thấy rằng, các nhà kinh điển nói về dân tộc với nghĩa là quốc gia, dân tộc và nhấn mạnh những yếu tố thống nhất, ổn định trong các cộng đồng dân tộc.

Từ quan điểm của các nhà kinh điển, có thể khái quát: Dân tộc là một cộng đồng người ổn định, được hình thành trong lịch sử trên cơ sở một lãnh thổ, một ngôn ngữ, một nền kinh tế thống nhất, một nền văn hóa và tâm lý, tính cách bền vững, với một nhà nước và pháp luật thống nhất.

* Đặc trưng của dân tộc

- Dân tộc là một cộng đồng người ổn định trên một lãnh thổ thống nhất.

Dân tộc là hình thức cộng đồng người phát triển cao nhất cho đến nay sau bộ tộc và được hình thành ổn định. Lãnh thổ là địa bàn sinh tồn và phát triển của dân tộc, nơi mà các cộng đồng người được hình thành một cách ổn định trong lịch sử. Mỗi dân tộc có một lãnh thổ riêng thống nhất, không bị chia cắt do được hình thành lâu dài và trải qua nhiều thử thách trong lịch sử. Đồng thời tính thống nhất của lãnh thổ còn được củng cố bằng sự thống nhất của các yếu tố kinh tế, chính trị khác. Lãnh thổ thuộc chủ quyền của mỗi quốc gia, dân tộc và được xác định bằng biên giới quốc gia. Không có lãnh thổ thì không có khái niệm Tổ quốc, quốc gia. Nếu như trong bộ tộc, lãnh thổ còn bị chia cắt bởi các lãnh chúa,... thì lãnh thổ của dân tộc không còn sự chia cắt ấy và ổn định hơn nhiều. Cộng đồng lãnh thổ là đặc trưng quan trọng không thể thiếu của dân tộc. Mỗi quốc gia, dân tộc đều có một lãnh thổ xác định và vùng lãnh thổ này được xem là mảnh đất thiêng liêng mà các thành viên của dân tộc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ. Hiện nay, lãnh thổ của một dân tộc được hiểu không phải chỉ là đất liền mà còn bao hàm cả vùng biển, vùng trời, hải đảo và thềm lục địa..., được thể chế hóa bằng luật pháp quốc gia và quốc tế. Chủ quyền lãnh thổ quốc gia bao giờ cũng là vấn đề thiêng liêng của mỗi dân tộc.

- Dân tộc là một cộng đồng thống nhất về ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là đặc trưng cơ bản của dân tộc. Ngôn ngữ vừa là công cụ giao tiếp kết nối các thành viên trong cộng đồng dân tộc, vừa là một phương tiện giao lưu văn hóa giữa các tộc người. Mỗi thành viên của một dân tộc có thể dùng nhiều ngôn ngữ để giao tiếp. Mỗi cộng đồng tộc người có thể có ngôn ngữ riêng. Song, ở mỗi quốc gia, dân tộc đều có một ngôn ngữ thống nhất để sử dụng chung cho tất cả các cộng đồng tộc người trong quốc gia, dân tộc đó. Tính thống nhất trong ngôn ngữ của dân tộc thể hiện ở sự thống nhất về cấu trúc ngữ pháp và kho từ vựng cơ bản. Ngôn ngữ dân tộc là một ngôn ngữ đã phát triển. Thống nhất về ngôn ngữ là một trong những đặc trưng chủ yếu của dân tộc. Ngày nay, khi giao lưu, hội nhập quốc tế được mở rộng, ngôn ngữ của một quốc gia có thể được nhiều nước sử dụng nhưng ngôn ngữ đó vẫn được xác định (tiếng mẹ đẻ) là ngôn ngữ chính của dân tộc đã sản sinh ra nó.

- Dân tộc là một cộng đồng thống nhất về kinh tế.

Khoa học đã chứng minh rằng, từ cộng đồng thị tộc phát triển lên các hình thức bộ lạc và bộ tộc, yếu tố liên kết giữa các thành viên của cộng đồng trên cơ sở huyết thống dần dần bị suy giảm, vai trò của nhân tố kinh tế ngày càng được tăng cường. Với dân tộc, vai trò của nhân tố kinh tế được biểu hiện ra thật sự mạnh mẽ. Kinh tế chính là một phương thức sinh sống của dân cư gắn các tộc người thành cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, khi dân tộc, quốc gia hình thành thì kinh tế được hiểu là một nền kinh tế thống nhất của một quốc gia có tính độc lập, tự chủ.

Ph. Ăngghen đã chứng minh rằng, tác nhân cơ bản dẫn tới việc chuyển từ hình thức cộng đồng trước dân tộc sang dân tộc là tác nhân kinh tế. Những mối liên hệ kinh tế thường xuyên và mạnh mẽ, đặc biệt là mối liên hệ thị trường đã làm tăng tính thống nhất, ổn định, bền vững của cộng đồng người đông đảo sống trên một lãnh thổ rộng lớn. Dân tộc có tính điển hình là dân tộc tư sản, dân tộc này bao gồm các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau. Các giai cấp và tầng lớp xã hội này có quan hệ kinh tế chặt chẽ trong một hệ thống kinh tế thống nhất hình thành trên địa bàn dân tộc, đó là hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Trong thế giới hiện đại, có sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhưng mỗi quốc gia, dân tộc vẫn có một nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc và lệ thuộc vào quốc gia khác. Vấn đề chủ quyền kinh tế quốc gia là vấn đề các nước đều quan tâm hiện nay.

- Dân tộc là một cộng đồng bền vững về văn hóa, tâm lý và tính cách.

Văn hóa là yếu tố đặc biệt quan trọng của sự liên kết cộng đồng, được coi là “bộ gen”, là “căn cước” của mỗi cộng đồng dân tộc. Văn hóa dân tộc mang nhiều sắc thái của các cộng đồng tộc người, sắc tộc, các địa phương,... nhưng vẫn là nền văn hóa thống nhất có những đặc trưng chung và ổn định. Tính thống nhất trong đa dạng là đặc trưng của văn hóa dân tộc. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa độc đáo của mình, tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Bên cạnh những yếu tố văn hóa khác nhau của mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp xã hội trong cộng đồng dân tộc, v.v. thì các thành viên của cộng đồng đều tham gia sinh hoạt văn hóa chung của dân tộc. Đặc trưng văn hóa của dân tộc thể hiện ở phong tục, tập quán, tín ngưỡng và các sinh hoạt văn hóa khác của các thành viên trong cộng đồng dân tộc ấy. Do có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, nên văn hóa dân tộc không dễ bị đồng hóa.

Xã hội càng phát triển, giao lưu văn hóa càng mạnh và nhu cầu văn hóa càng cao thì càng có sự hòa đồng về văn hóa, nhưng hầu hết các dân tộc vẫn giữ được sắc thái văn hóa riêng của mình. Hơn nữa, văn hóa còn là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển, là một công cụ bảo vệ độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia. Lịch sử các cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc luôn gắn liền với cuộc đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa, chống lại nguy cơ bị đồng hóa về văn hóa. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, các quốc gia, dân tộc hiện đại đều ý thức được rằng, muốn bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc thì phải hội nhập nhưng không được “hòa tan”.

Mỗi dân tộc còn có tâm lý, tính cách riêng và được biểu hiện thông qua sinh hoạt vật chất và tinh thần của dân tộc ấy, đặc biệt qua các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đời sống văn hóa. Đây là một đặc trưng quan trọng của mỗi dân tộc. Yếu tố này được tạo nên bởi những nét đặc thù của một cộng đồng; là sự hội tụ của gần như tất cả các yếu tố sinh học và xã hội của các tộc người; trở thành tâm thức của mỗi người trong cộng đồng dân tộc đến mức cho dù phải rời xa lãnh thổ của dân tộc để sống trong một cộng đồng hoàn toàn khác nhưng đặc trưng văn hóa, tính cách vẫn được lưu giữ lâu dài.

- Dân tộc là một cộng đồng người có một nhà nước và pháp luật thống nhất.

Đây là một đặc trưng của dân tộc - quốc gia để phân biệt với dân tộc theo nghĩa là các dân tộc - tộc người (đa số hay thiểu số). Chính C. Mác và Ph. Ăngghen ngay từ thời kỳ đầu đã chú ý đến yếu tố này và phân tích trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Từ động lực phát triển kinh tế, với vai trò tích cực của giai cấp tư sản trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản hình thành, các quốc gia, dân tộc đã hình thành ở hầu hết châu Âu. Do yêu cầu của thị trường và lưu thông hàng hóa phát triển, giai cấp tư sản đã xóa bỏ sự phân tán, sự “cát cứ” về kinh tế và chính trị, hình thành những quan hệ “liên minh” về lợi ích, kết quả là hình thành “một chính phủ thống nhất”, “một luật pháp thống nhất”, “một thuế quan thống nhất”... Do vậy, nhà nước và pháp luật thống nhất là một đặc trưng của dân tộc và ngày nay đây cũng là một quan niệm phổ biến trên thế giới. Dân tộc - quốc gia - nhà nước là thống nhất không thể tách rời. Dân tộc nào cũng có một nhà nước nhất định và nhà nước nào cũng của một dân tộc nhất định.

Những đặc trưng của dân tộc đã cho thấy, dân tộc hoàn toàn khác với các hình thức cộng đồng người đã hình thành từ trước khi xã hội có giai cấp như thị tộc, bộ lạc. Đồng thời, dân tộc cũng khác với bộ tộc, một hình thức cộng đồng khá phổ biến ở phương Tây trước khi dân tộc hình thành. Dân tộc có thể từ một bộ tộc phát triển lên và cũng có thể do nhiều bộ tộc hợp lại. Tuy nhiên, các mối liên hệ giữa các thành viên trong bộ tộc còn lỏng lẻo, yếu ớt, còn các mối liên hệ trong cộng đồng dân tộc ổn định và bền vững hơn. Tính cộng đồng bền vững này tạo nên sức mạnh của mỗi dân tộc và đảm bảo cho một dân tộc có thể tồn tại, phát triển trong những điều kiện lịch sử khác nhau, kể cả trong điều kiện có giặc ngoại xâm hoặc có sự giao lưu quốc tế mở rộng. Tổng hòa các đặc trưng cơ bản về lãnh thổ, ngôn ngữ, kinh tế, văn hóa, tâm lý, tính cách, nhà nước và pháp luật thống nhất làm cho cộng đồng dân tộc là hình thức phát triển nhất và bền vững hơn bất cứ hình thức cộng đồng nào trong lịch sử. Trong tương lai, dân tộc sẽ tồn tại lâu dài, kể cả sau khi các giai cấp không còn trong lịch sử.

* Quá trình hình thành các dân tộc ở châu Âu và đặc thù sự hình thành dân tộc ở châu Á

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, dân tộc là hình thức cộng đồng người gắn liền với xã hội có giai cấp, có nhà nước và các thể chế chính trị. Lịch sử cho thấy, dân tộc có thể được hình thành từ một bộ tộc phát triển lên, song đa số trường hợp được hình thành trên cơ sở nhiều bộ tộc và tộc người hợp nhất lại.

C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ, ở châu Âu dân tộc hình thành theo hai phương thức chủ yếu gắn liền với sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Phương thức thứ nhất, dân tộc hình thành từ nhiều bộ tộc khác nhau trong một quốc gia. Quá trình hình thành dân tộc ở đây vừa là một quá trình thống nhất lãnh thổ, thống nhất thị trường; đồng thời, cũng là một quá trình đồng hóa các bộ tộc khác nhau thành một dân tộc duy nhất, một quốc gia, dân tộc độc lập, như ở các nước Đức, Italia, Pháp, v.v.. Phương thức thứ hai, do điều kiện chế độ phong kiến chưa bị thủ tiêu, chủ nghĩa tư bản phát triển còn yếu, dân tộc được hình thành từ một bộ tộc. Ở đây không có quá trình đồng hóa các bộ tộc mà chỉ có quá trình thống nhất các lãnh thổ phong kiến thành lập một quốc gia gồm nhiều dân tộc, trong đó mỗi dân tộc hình thành từ một bộ tộc riêng, như trường hợp ở các nước Nga, Áo, Hunggari, v.v..

Quá trình hình thành, phát triển dân tộc diễn ra hết sức lâu dài, đa dạng và phức tạp. Ở các nước châu Âu, sự hình thành và phát triển của dân tộc trải qua các thời kỳ chính: gắn liền với cuộc cách mạng tư sản do giai cấp tư sản lãnh đạo; gắn liền với phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc giải phóng dân tộc; và thời kỳ các dân tộc xã hội chủ nghĩa ra đời. Sự hình thành các dân tộc trong lịch sử trên thế giới còn tùy điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia, khu vực. Sự hình thành các quốc gia, dân tộc ở phương Đông có tính đặc thù riêng. Thực tiễn lịch sử cho thấy, ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam... dân tộc được hình thành rất sớm, không gắn với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản.

Tính đặc thù của sự hình thành dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam được hình thành rất sớm trong lịch sử gắn liền với nhu cầu dựng nước và giữ nước, với quá trình đấu tranh chống ngoại xâm và cải tạo thiên nhiên, bảo vệ nền văn hóa dân tộc, điều này tạo nên nét độc đáo trong sự cố kết của cộng đồng dân tộc. Lịch sử đã chứng minh rằng, từ hàng nghìn năm trước trên lãnh thổ Việt Nam đã có một cộng đồng mang đầy đủ các đặc trưng của một dân tộc. Dân tộc Việt Nam đã có một ngôn ngữ, một lãnh thổ, một nền kinh tế thống nhất; một nhà nước, luật pháp và một nền văn hóa thống nhất. Khoa học lịch sử đã khẳng định, quá trình hình thành dân tộc Việt Nam được bắt đầu từ khi nước Đại Việt giành được độc lập (cách đây trên 1.000 năm) cho đến thời Lý - Trần.


[1]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.130.

[2]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.146-147.

[3]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.166.

[4]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.603.

[5]. J. Stalin: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, t.2, tr.357.




TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh