Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Triết học Mác - Lênin
Quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, tính độc lập tương đối của ý thức xã hội
Quan điểm duy vật lịch sử khẳng định rằng, ý thức xã hội và tồn tại xã hội có mối quan hệ biện chứng; rằng, các hình thái ý thức xã hội không phải là những yếu tố thụ động; trái lại, mỗi hình thái ý thức xã hội đều có sự tác động ngược trở lại tồn tại xã hội, trước hết là tác động trở lại cơ sở kinh tế. Đồng thời, các hình thái ý thức xã hội cũng tác động lẫn nhau theo những cách thức khác nhau. Tồn tại xã hội nào thì có ý thức xã hội ấy. Tồn tại xã hội quyết định nội dung, tính chất, đặc điểm, xu hướng vận động, sự biến đổi và sự phát triển của các hình thái ý thức xã hội. Nếu xã hội còn tồn tại sự phân chia giai cấp thì ý thức xã hội nhất định cũng mang tính giai cấp. Khi tồn tại xã hội, nhất là phương thức sản xuất thay đổi thì những tư tưởng, quan điểm về chính trị, pháp luật, triết học và cả quan điểm thẩm mỹ lẫn đạo đức dù sớm hay muộn cũng sẽ có những sự thay đổi nhất định. Tuy nhiên, ý thức xã hội không phải là yếu tố hoàn toàn thụ động hoặc tiêu cực. Mặc dù chịu sự quy định và chi phối của tồn tại xã hội nhưng ý thức xã hội không những có tính độc lập tương đối, có thể tác động trở lại mạnh mẽ đối với tồn tại xã hội, mà đặc biệt ý thức xã hội còn có thể vượt trước tồn tại xã hội, thậm chí có thể vượt trước rất xa tồn tại xã hội.
Các hình thái ý thức xã hội có đặc điểm chung là mặc dù bị tồn tại xã hội quy định, song đều có tính độc lập tương đối.
Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội thể hiện ở những điểm sau đây:
* Ý thức xã hội thường lạc hậu hơn tồn tại xã hội
Lịch sử xã hội loài người cho thấy, nhiều khi xã hội cũ đã mất đi rất lâu, song ý thức xã hội do xã hội đó sản sinh ra vẫn tiếp tục tồn tại. Điều này biểu hiện rõ nhất ở các khía cạnh khác nhau của tâm lý xã hội như truyền thống, thói quen và nhất là tập quán. V.I. Lênin cho rằng: “sức mạnh của tập quán ở hàng triệu và hàng chục triệu người là một sức mạnh ghê gớm nhất”[1]. Còn Ph. Ăngghen khi nói rằng, “chúng ta đau khổ không những vì những người đang sống mà còn vì những người đã chết nữa. Người chết nắm lấy người sống”[2] cũng là theo nghĩa này.
Những nguyên nhân làm cho ý thức xã hội thường lạc hậu hơn tồn tại xã hội là do:
Trước hết, do tác động mạnh mẽ và nhiều mặt trong hoạt động thực tiễn của con người nên tồn tại xã hội diễn ra với tốc độ nhanh hơn khả năng phản ánh của ý thức xã hội.
Thứ hai, do sức mạnh của thói quen, tập quán, truyền thống và do cả tính bảo thủ của hình thái ý thức xã hội. Hơn nữa, những điều kiện tồn tại xã hội mới cũng chưa đủ để làm cho những thói quen, tập quán và truyền thống cũ hoàn toàn mất đi.
Thứ ba, ý thức xã hội gắn liền với lợi ích của những tập đoàn người, của các giai cấp nào đó trong xã hội. Các tập đoàn hay giai cấp lạc hậu thường níu kéo, bám chặt vào những tư tưởng lạc hậu để bảo vệ và duy trì quyền lợi ích kỷ của họ, để chống lại các lực lượng tiến bộ trong xã hội.
Vì vậy, muốn xây dựng xã hội mới nhất định phải từng bước xóa bỏ được những tàn dư, những tư tưởng và ý thức xã hội cũ song song với việc bồi đắp, xây dựng và phát triển ý thức xã hội mới. Tuy nhiên, khi thực hiện những nhiệm vụ này thì không được nóng vội, không được dùng các biện pháp hành chính như đã từng xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa.
* Ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội
Triết học Mác - Lênin thừa nhận rằng, ý thức xã hội thường lạc hậu hơn tồn tại xã hội nhưng cũng có thể vượt trước tồn tại xã hội. Thực tế, trong những điều kiện nhất định, nhiều tư tưởng khoa học và triết học có thể vượt trước tồn tại xã hội của thời đại rất xa. Sở dĩ ý thức xã hội có khả năng đó là do nó phản ánh đúng những mối liên hệ lôgích, khách quan, tất yếu, bản chất của tồn tại xã hội. Lịch sử đã cho thấy nhiều dự báo của các nhà tư tưởng lớn phải sau một thời gian, có thể ngắn hoặc rất dài, mới được thực tiễn xác nhận. Nhiều dự báo của C. Mác đang trở thành sự thật trong thời đại chúng ta đã hoàn toàn khẳng định điều đó. Chẳng hạn, dự báo tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đang được thực tiễn của cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ số, thời đại trí tuệ nhân tạo hay cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, thời đại kinh tế tri thức xác nhận. Đặc biệt, khi đánh giá rằng, xã hội tư bản “hoàn toàn không phải là một khối kết tinh vững chắc, mà là một cơ thể có khả năng biến đổi và luôn luôn ở trong quá trình biến đổi”[3] thì chính C. Mác đã chỉ ra các quy luật vận động tất yếu của xã hội và cũng đã dự báo về sự thay thế không thể tránh khỏi của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng phương thức sản xuất cao hơn - phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.
Vì vậy, trong thời đại chúng ta, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn đang là thế giới quan và phương pháp luận chung nhất cho sự nhận thức, cho công cuộc cải tạo hiện thực.
* Ý thức xã hội có tính kế thừa
Tiến trình phát triển đời sống tinh thần của xã hội loài người cho thấy rằng, các quan điểm lý luận, các tư tưởng lớn của thời đại sau bao giờ cũng dựa vào những tiền đề đã có từ các giai đoạn lịch sử trước đó. Chính C. Mác và Ph. Ăngghen cũng đã thừa nhận rằng: “ngay cả chủ nghĩa cộng sản phát triển cũng trực tiếp bắt nguồn từ chủ nghĩa duy vật Pháp”[4]. Và, “nếu trước đó không có triết học Đức, đặc biệt là triết học Hêghen, thì sẽ không bao giờ có chủ nghĩa xã hội khoa học Đức, chủ nghĩa xã hội duy nhất khoa học tồn tại từ trước đến nay”[5]. Vì vậy, hoàn toàn hợp quy luật rằng, chủ nghĩa Mác không chỉ đã tiếp thu tất cả những gì là tinh hoa trong lịch sử văn minh nhân loại mà còn kế thừa trực tiếp từ nền triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.
Trong sự phát triển của mình, ý thức xã hội có tính kế thừa nên không thể giải thích một tư tưởng nào đó nếu chỉ dựa vào trình độ, hiện trạng phát triển kinh tế và các quan hệ kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, trình độ phát triển kinh tế của nước Pháp vào thế kỷ XVIII kém xa nước Anh nhưng tư tưởng lý luận của nước Pháp tiên tiến hơn nước Anh nhiều. Tương tự như vậy, kinh tế nước Đức vào đầu thế kỷ XIX kém xa nước Anh và nước Pháp, nhưng nền triết học của nước Đức thì vượt xa hai nước kia. Điều đó chứng tỏ rằng, sự phát triển của ý thức xã hội không phải bao giờ cũng song hành với sự phát triển kinh tế và các quan hệ kinh tế.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong các xã hội có giai cấp thì các giai cấp khác nhau sẽ kế thừa những di sản khác nhau của những giai đoạn trước. Giai cấp tiến bộ đang lên sẽ chọn kế thừa những tư tưởng tiến bộ của thời đại trước; trái lại, giai cấp lỗi thời, đi xuống bao giờ cũng chọn tiếp thu những tư tưởng và lý thuyết bảo thủ, phản tiến bộ để cố gắng tìm cách duy trì sự thống trị của mình. Điển hình về mặt này là giai cấp tư sản vào nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã phục hồi và truyền bá chủ nghĩa Kant mới và chủ nghĩa Thomas mới để chống lại phong trào cách mạng đang lên của giai cấp vô sản, để chống lại chủ nghĩa Mác vốn là cơ sở của phong trào ấy.
Quan điểm của triết học Mác - Lênin về tính kế thừa của ý thức xã hội có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa tinh thần của dân tộc ta hiện nay.
* Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội
Các hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội theo những cách khác nhau, có vai trò khác nhau trong xã hội và trong đời sống của con người. Tuy nhiên, ở các thời đại lịch sử khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau dù vai trò của các hình thái ý thức xã hội không giống nhau nhưng chúng vẫn có sự tác động qua lại với nhau.
Nếu ở thời Hy Lạp cổ đại, vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên, ý thức triết học và ý thức nghệ thuật có vai trò đặc biệt to lớn; ở các nước Tây Âu thời trung cổ, ý thức tôn giáo tác động rất mạnh và chi phối các hình thái ý thức khác như ý thức chính trị, ý thức pháp quyền, ý thức triết học, ý thức đạo đức, ý thức nghệ thuật thì ở nước Pháp nửa sau thế kỷ XVIII và ở nước Đức cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, triết học và văn học đóng vai trò quan trọng nhất trong việc truyền bá các tư tưởng chính trị và pháp quyền, là vũ khí tư tưởng và lý luận trong cuộc đấu tranh chính trị chống lại các thế lực cầm quyền của các lực lượng xã hội tiến bộ. Trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi tiếng thời kỳ này thấm đượm sâu sắc các tư tưởng và suy tư triết học về thế giới và về con người. Tuy nhiên, từ sau thời kỳ trung cổ và phong kiến, nhất là trong thế giới đương đại, ý thức chính trị ngày càng đóng vai trò quan trọng và chi phối mạnh mẽ các hình thái ý thức khác.
* Ý thức xã hội tác động trở lại tồn tại xã hội
Tồn tại xã hội chịu sự tác động trở lại của ý thức xã hội là một biểu hiện khác của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội.
Ph. Ăngghen viết: “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, v.v. đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế. Vấn đề hoàn toàn không phải là chỉ có hoàn cảnh kinh tế mới là nguyên nhân, chỉ có nó là tích cực, còn tất cả những cái còn lại đều chỉ là hậu quả thụ động”[6].
Quan niệm duy vật về lịch sử thừa nhận biểu hiện này về tính độc lập tương đối của ý thức xã hội đối lập hoàn toàn cả với chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối hóa vai trò của ý thức xã hội lẫn chủ nghĩa duy vật tầm thường chỉ coi trọng vai trò của kinh tế, còn phủ nhận hoàn toàn vai trò tích cực của ý thức xã hội. Ý thức xã hội cũng có vai trò nhất định. Về điều này Ph. Ăngghen viết: “Những tiền đề và điều kiện kinh tế, rốt cục giữ vai trò quyết định. Nhưng những điều kiện chính trị, v.v., ngay cả những truyền thống tồn tại trong đầu óc con người cũng đóng một vai trò nhất định, tuy không phải là vai trò quyết định”[7].
Sự tác động trở lại đối với tồn tại xã hội của các hình thái ý thức xã hội mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử cụ thể, vào các quan hệ kinh tế vốn là cơ sở hình thành các hình thái ý thức xã hội; vào trình độ phản ánh và sức lan tỏa của ý thức đối với các nhu cầu khác nhau của sự phát triển xã hội; đặc biệt là vào vai trò lịch sử của giai cấp đại diện cho ngọn cờ tư tưởng đó. Vì vậy, cần phân biệt ý thức xã hội tiến bộ với ý thức xã hội lạc hậu, cản trở sự tiến bộ xã hội.
[1]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.34.
[2]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.22, tr.650.
[3]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.23, tr.22.
[4]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.200.
[5]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.698.
[6]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.271.
[7]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.37, tr.642.
TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học