Biện chứng và siêu hình

Biện chứng và siêu hình


Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Triết học Mác - Lênin

BIỆN CHỨNG VÀ SIÊU HÌNH


a) Khái niệm biện chứng và siêu hình trong lịch sử

Các khái niệm “biện chứng” và “siêu hình” trong lịch sử triết học được dùng theo một số nghĩa khác nhau. Nghĩa xuất phát của từ “biện chứng” là nghệ thuật tranh luận để tìm chân lý bằng cách phát hiện mâu thuẫn trong cách lập luận (Socrates dùng). Nghĩa ban đầu của từ “siêu hình” là dùng để chỉ triết học, với tư cách là khoa học siêu cảm tính, phi thực nghiệm (Aristotle dùng). Trong triết học hiện đại, đặc biệt triết học mácxít, chúng được dùng, trước hết để chỉ hai phương pháp tư duy chung nhất đối lập nhau đó là phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình.

* Phương pháp siêu hình

Phương pháp siêu hình nhận thức đối tượng ở trạng thái cô lập, tách rời đối tượng ra khỏi các quan hệ được xem xét và coi các mặt đối lập với nhau có một ranh giới tuyệt đối.

Phương pháp siêu hình nhận thức đối tượng ở trạng thái tĩnh; đồng nhất đối tượng với trạng thái tĩnh nhất thời đó. Thừa nhận sự biến đổi chỉ là sự biến đổi về số lượng, về các hiện tượng bề ngoài. Nguyên nhân của sự biến đổi được coi là nằm ở bên ngoài đối tượng.

Phương pháp siêu hình có cội nguồn hợp lý từ trong khoa học cơ học cổ điển. Muốn nhận thức bất kỳ một đối tượng nào, trước hết con người phải tách đối tượng ấy ra khỏi những liên hệ nhất định và nhận thức nó ở trạng thái không biến đổi trong một không gian và thời gian xác định. Đó là phương pháp được đưa từ toán học và vật lý học cổ điển vào các khoa học thực nghiệm và vào triết học. Song, phương pháp siêu hình chỉ có tác dụng trong một phạm vi nhất định bởi hiện thực khách quan, trong bản chất của nó, không rời rạc và không ngưng đọng như phương pháp tư duy này quan niệm.

Phương pháp siêu hình có công lớn trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến cơ học cổ điển. Nhưng khi mở rộng phạm vi khái quát sang giải quyết các vấn đề về vận động, về liên hệ thì lại làm cho nhận thức rơi vào phương pháp luận siêu hình. Ph. Ăngghen đã chỉ rõ, phương pháp siêu hình “chỉ nhìn thấy những sự vật riêng biệt mà không nhìn thấy mối liên hệ qua lại giữa những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy sự tồn tại của những sự vật ấy mà không nhìn thấy sự phát sinh và sự tiêu vong của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy trạng thái tĩnh của những sự vật ấy mà quên mất sự vận động của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”[1].

* Phương pháp biện chứng

Phương pháp biện chứng nhận thức đối tượng trong các mối liên hệ phổ biến vốn có của nó. Đối tượng và các thành phần của đối tượng luôn trong sự lệ thuộc, ảnh hưởng, ràng buộc và quy định lẫn nhau.

Phương pháp biện chứng nhận thức đối tượng ở trạng thái luôn vận động biến đổi, nằm trong khuynh hướng phổ quát là phát triển. Quá trình vận động này thay đổi cả về lượng và chất của các sự vật, hiện tượng. Nguồn gốc của sự vận động, thay đổi đó là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập của mâu thuẫn nội tại trong bản thân sự vật.

Quan điểm biện chứng cho phép chủ thể nhận thức không chỉ thấy những sự vật riêng biệt mà còn thấy cả mối liên hệ giữa chúng; không chỉ thấy sự tồn tại của sự vật mà còn thấy cả sự sinh thành, phát triển và tiêu vong của sự vật; không chỉ thấy trạng thái tĩnh mà còn thấy cả trạng thái động của sự vật. Ph. Ăngghen nhận xét, tư duy của nhà siêu hình chỉ dựa trên những phản đề tuyệt đối không thể dung nhau được, đối với họ một sự vật hoặc tồn tại hoặc không tồn tại, một sự vật không thể vừa là chính nó lại vừa là cái khác, cái khẳng định và cái phủ định tuyệt đối bài trừ lẫn nhau. Ngược lại, tư duy biện chứng là tư duy mềm dẻo, linh hoạt, không tuyệt đối hóa nghiêm ngặt những ranh giới, “trong những trường hợp cần thiết, là bên cạnh cái “hoặc là... hoặc là” thì còn có cả “cái này lẫn cái kia” nữa, và thực hiện sự môi giới giữa các mặt đối lập”[2]. Tư duy biện chứng thừa nhận một chỉnh thể trong lúc vừa là nó lại vừa không phải là nó; thừa nhận cái khẳng định và cái phủ định vừa loại trừ nhau lại vừa gắn bó với nhau.

Phương pháp biện chứng phản ánh hiện thực đúng như nó tồn tại. Nhờ vậy, phương pháp tư duy biện chứng trở thành công cụ hữu hiệu giúp con người nhận thức và cải tạo thế giới, là phương pháp luận tối ưu của mọi khoa học.

b) Các hình thức của phép biện chứng trong lịch sử

Cùng với sự phát triển của tư duy con người, phương pháp biện chứng đã trải qua ba giai đoạn phát triển, được thể hiện trong triết học với ba hình thức lịch sử: phép biện chứng tự phát, phép biện chứng duy tâm và phép biện chứng duy vật.

- Hình thức thứ nhất là phép biện chứng tự phát thời cổ đại. Các nhà biện chứng cả phương Đông và phương Tây thời cổ đại đã thấy được các sự vật, hiện tượng của vũ trụ vận động trong sự sinh thành, biến hóa vô cùng vô tận. Tuy nhiên, những gì mà các nhà biện chứng thời đó thấy được chỉ là trực kiến, chưa có các kết quả của nghiên cứu và thực nghiệm khoa học minh chứng.

- Hình thức thứ hai là phép biện chứng duy tâm. Đỉnh cao của hình thức này được thể hiện trong triết học cổ điển Đức, người khởi đầu là Kant và người hoàn thiện là Hegel. Có thể khẳng định, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của tư duy nhân loại, các nhà triết học Đức đã trình bày một cách có hệ thống những nội dung quan trọng nhất của phương pháp biện chứng. Theo các nhà triết học Đức, biện chứng bắt đầu từ tinh thần và kết thúc cũng ở tinh thần. Thế giới hiện thực chỉ là sự phản ánh biện chứng của ý niệm nên phép biện chứng của các nhà triết học cổ điển Đức là biện chứng duy tâm.

- Hình thức thứ ba là phép biện chứng duy vật. Phép biện chứng duy vật được thể hiện trong triết học do C. Mác và Ph. Ăngghen xây dựng, sau đó được V.I. Lênin và các nhà triết học hậu thế phát triển. C. Mác và Ph. Ăngghen đã gạt bỏ tính thần bí, tư biện của triết học cổ điển Đức, kế thừa những hạt nhân hợp lý trong phép biện chứng duy tâm để xây dựng phép biện chứng duy vật với tư cách là học thuyết về mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất. Công lao của
C. Mác và Ph. Ăngghen còn ở chỗ tạo được sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng trong lịch sử phát triển triết học nhân loại, làm cho phép biện chứng trở thành phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa duy vật trở thành chủ nghĩa duy vật biện chứng.


[1]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.37.
[2]. Xem C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.696.




TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh