Quan niệm về nhận thức trong lịch sử triết học

Quan niệm về nhận thức trong lịch sử triết học




Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Triết học Mác - Lênin

Quan niệm về nhận thức trong lịch sử triết học

* Khái niệm lý luận nhận thức

Lý luận nhận thức có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, được ghép từ hai từ “Gnosis” (tri thức) và “Logos” (lời nói, học thuyết). Lý luận nhận thức là một bộ phận của triết học, nghiên cứu bản chất của nhận thức, những hình thức, các giai đoạn của nhận thức; con đường để đạt chân lý, tiêu chuẩn của chân lý, v.v.. Lý luận nhận thức là khía cạnh thứ hai của vấn đề cơ bản của triết học; tức là, lý luận nhận thức phải giải quyết mối quan hệ của tri thức, của tư duy con người đối với hiện thực xung quanh, trả lời câu hỏi con người có thể nhận thức được thế giới hay không?

Khi triết học ra đời với đúng nghĩa của nó thì vấn đề lý luận nhận thức cũng được đặt ra. Trong lịch sử triết học, lý luận nhận thức đã được biểu hiện cụ thể thành những vấn đề phong phú khác nhau. Có thể thấy trong lịch sử triết học, xuất phát từ lập trường thế giới quan khác nhau, các trào lưu triết học khác nhau đã đưa ra các quan điểm khác nhau về vấn đề lý luận nhận thức.

* Quan điểm của chủ nghĩa duy tâm về nhận thức

Chủ nghĩa duy tâm chủ quan với các đại biểu như Béccơli cho chân lý là sự phù hợp giữa suy diễn về sự vật với chính bản thân sự vật trên thực tế. Berkeley phủ nhận chân lý khách quan, thừa nhận thượng đế là chủ thể nhận thức. Cũng như Berkeley, E. Makhơ coi sự vật chỉ là kết quả của sự phức hợp các cảm giác. E. Makhơ thực chất chỉ nhắc lại quan điểm của Berkeley “vật hay vật thể là những phức hợp cảm giác”[1]. Chính vì vậy, theo các nhà duy tâm chủ quan nhận thức không phải là sự phản ánh thế giới khách quan bởi con người mà chỉ là sự phản ánh trạng thái chủ quan của con người. Cũng với lẽ đó mà Phichtơ đã cho rằng, nhận thức có nghĩa là nhận thức các cảm giác của con người.

Chủ nghĩa duy tâm khách quan với các đại biểu như Plato, Hegel không phủ nhận khả năng nhận thức của con người, nhưng lại giải thích một cách duy tâm, thần bí khả năng này của con người. Plato cho rằng, khả năng đó là khả năng của linh hồn vũ trụ. Hegel coi khả năng đó chính là khả năng của tinh thần thế giới. Đối với Platon, nhận thức chỉ là quá trình hồi tưởng lại, nhớ lại những gì mà linh hồn trước khi nhập vào thể xác con người đã có sẵn (các tri thức) ở thế giới ý niệm. Hegel cho rằng, nhận thức chính là quá trình tự ý thức (tự nhận thức) của tinh thần thế giới. Hegel đã vận dụng phép biện chứng cũng như nội dung phong phú của nhiều cặp phạm trù lôgích vào nhận thức luận. Hêghen cũng là người đã phê phán quan điểm siêu hình, không thể biết trong nhận thức luận.

* Quan điểm của chủ nghĩa hoài nghi

Các đại biểu của thuyết hoài nghi đã nghi ngờ khả năng nhận thức của con người, thậm chí có người (như Hium) đã nghi ngờ cả bản thân sự tồn tại khách quan của các sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, cũng có những đại biểu có quan điểm hoài nghi, nhưng đó là hoài nghi lành mạnh, chứa đựng các yếu tố tích cực đối với nhận thức khoa học. Chẳng hạn, tư tưởng nghi ngờ của Đềcáctơ đã góp phần tích cực vào việc chống tôn giáo, triết học kinh viện, mặc dù nguyên tắc “nghi ngờ”, nguyên tắc xuất phát điểm trong nhận thức của ông, còn hạn chế, tạo kẽ hở cho chủ nghĩa duy tâm nảy sinh. Về thực chất, các nhà hoài nghi chủ nghĩa đã không hiểu được trên thực tế biện chứng của quá trình nhận thức.

Quan điểm của thuyết không thể biết

Những người theo thuyết không thể biết, điển hình là Cantơ cho rằng, về nguyên tắc con người, không thể nhận thức được bản chất thế giới. Chúng ta có hình ảnh về sự vật, nhưng đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài của chúng chứ không phải là chính bản thân sự vật. Con người không thể nhận thức được “vật tự nó - Ding an sich”, chỉ có thể nhận thức được các hiện tượng bên ngoài của sự vật.

* Quan điểm của chủ nghĩa duy vật trước C. Mác

Các đại biểu của chủ nghĩa duy vật trước C. Mác nhìn chung đều công nhận khả năng nhận thức thế giới của con người. Họ đều coi thế giới khách quan là đối tượng của nhận thức con người. Họ bảo vệ nguyên tắc nhận thức là phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc người. Tuy nhiên, quan niệm của họ về phản ánh và nhận thức còn có những hạn chế.

Do tính chất siêu hình, chủ nghĩa duy vật trước C. Mác hiểu phản ánh chỉ là sự sao chép giản đơn. Vì thế, lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật trước C. Mác, còn mang tính siêu hình, máy móc. Theo nhận thức chỉ như một sự phản ánh thụ động, giản đơn, không có quá trình vận động, biến đổi, nảy sinh mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn, không phải là quá trình biện chứng.

Do tính chất trực quan, chủ nghĩa duy vật trước C. Mác hiểu sự phản ánh chỉ là sự tiếp nhận thụ động một chiều những tác động trực tiếp của sự vật lên giác quan của con người. Các nhà duy vật trước C. Mác chưa hiểu vai trò của thực tiễn trong nhận thức. Vì vậy, C. Mác đã viết: “Khuyết điểm chủ yếu của toàn bộ chủ nghĩa duy vật từ trước đến nay - kể cả chủ nghĩa duy vật của Phoi-ơ-bắc - là sự vật, hiện thực, cái cảm giác được, chỉ được nhận thức dưới hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức là hoạt động cảm giác của con người, là thực tiễn, không được nhận thức về mặt chủ quan”[2].

* Các nguyên tắc xây dựng lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng

- Nguyên tắc thừa nhận sự vật khách quan tồn tại bên ngoài và độc lập với ý thức con người. Đây là nguyên tắc nền tảng của lý luận nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định các sự vật tồn tại khách quan, độc lập với ý thức, với cảm giác của con người và loài người nói chung, mặc dù người ta có thể chưa biết đến chúng. Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, V.I. Lênin viết: “Chủ nghĩa duy vật nói chung thừa nhận rằng tồn tại thực tại khách quan (vật chất) là không phụ thuộc vào ý thức, cảm giác, kinh nghiệm, v.v., của loài người. Chủ nghĩa duy vật lịch sử thừa nhận rằng tồn tại xã hội không phụ thuộc vào ý thức xã hội của loài người. Trong hai trường hợp đó, ý thức chỉ là phản ánh của tồn tại, nhiều lắm cũng chỉ là một phản ánh gần đúng (ăn khớp, chính xác một cách lý tưởng)”[3].

- Cảm giác, tri giác, ý thức nói chung là hình ảnh của thế giới khách quan. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, các cảm giác của chúng ta (và mọi tri thức) đều là sự phản ánh, đều là hình ảnh chủ quan của hiện thực khách quan: “Cảm giác là một hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”2. Nhưng không phải sự phản ánh thụ động, cứng đờ của hiện thực khách quan giống như sự phản ánh vật lý của cái gương trong quan niệm của chủ nghĩa duy vật trước C. Mác. Đó chính là quan niệm trực quan của chủ nghĩa duy vật siêu hình, không đánh giá đúng mức vai trò tích cực của chủ thể, của nhân cách và hoạt động thực tiễn của con người trong phản ánh.

- Thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra hình ảnh đúng, hình ảnh sai của cảm giác, ý thức nói chung. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra hình ảnh đúng, hình ảnh sai của cảm giác, ý thức nói chung, là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý. Tất nhiên, “... thực tiễn mà chúng ta dùng làm tiêu chuẩn trong lý luận về nhận thức, phải bao gồm cả thực tiễn của những sự quan sát, những sự phát hiện về thiên văn học...”[4]. Do vậy, “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”2.


[1]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.37.
[2]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.9.
[3], 2. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.404, 138.
[4], 2, 3. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.164, 167, 117.




TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học



Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh