Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập



Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Triết học Mác - Lênin

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập thể hiện bản chất, là hạt nhân của phép biện chứng duy vật, bởi quy luật đề cập tới vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật - vấn đề nguyên nhân, động lực của sự vận động, phát triển. Theo V.I. Lênin, “có thể định nghĩa vắn tắt phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế là nắm được hạt nhân của phép biện chứng,...”[2].

Nội dung của quy luật này cũng được làm sáng tỏ thông qua việc làm rõ các khái niệm, phạm trù liên quan.

Trong phép biện chứng duy vật, mâu thuẫn biện chứng là khái niệm dùng để chỉ sự liên hệ, tác động theo cách vừa thống nhất, vừa đấu tranh; vừa đòi hỏi, vừa loại trừ, vừa chuyển hóa lẫn nhau giữa các mặt đối lập. Yếu tố tạo thành mâu thuẫn biện chứng là các mặt đối lập, các bộ phận, các thuộc tính... có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau, nhưng cùng tồn tại khách quan trong mỗi sự vật, hiện tượng của tự nhiên, xã hội và tư duy. Trong mỗi mâu thuẫn, các mặt đối lập vừa thống nhất với nhau, vừa đấu tranh lẫn nhau tạo nên trạng thái ổn định tương đối của sự vật, hiện tượng. Thống nhất giữa các mặt đối lập là khái niệm dùng để chỉ sự liên hệ giữa chúng và được thể hiện ở việc: Thứ nhất, các mặt đối lập cần đến nhau, nương tựa vào nhau, làm tiền đề cho nhau tồn tại, không có mặt này thì không có mặt kia; Thứ hai, các mặt đối lập tác động ngang nhau, cân bằng nhau thể hiện sự đấu tranh giữa cái mới đang hình thành với cái cũ chưa mất hẳn; thứ ba, giữa các mặt đối lập có sự tương đồng, đồng nhất do trong các mặt đối lập còn tồn tại những yếu tố giống nhau. Do sự đồng nhất này mà trong nhiều trường hợp, khi mâu thuẫn xuất hiện và tác động ở điều kiện phù hợp, các mặt đối lập chuyển hóa vào nhau. Đồng nhất không tách rời với sự khác nhau, với sự đối lập, bởi mỗi sự vật, hiện tượng vừa là bản thân nó, vừa là sự vật, hiện tượng đối lập với nó nên trong đồng nhất đã bao hàm sự khác nhau, đối lập.

Đấu tranh giữa các mặt đối lập là khái niệm dùng để chỉ sự tác động qua lại theo hướng bài trừ, phủ định lẫn nhau giữa chúng và sự tác động đó cũng không tách rời sự khác nhau, thống nhất, đồng nhất giữa chúng trong một mâu thuẫn. So với đấu tranh giữa các mặt đối lập thì thống nhất giữa chúng có tính tạm thời, tương đối, có điều kiện, nghĩa là sự thống nhất đó chỉ tồn tại trong trạng thái đứng im tương đối của sự vật, hiện tượng; còn đấu tranh có tính tuyệt đối, nghĩa là đấu tranh phá vỡ sự ổn định tương đối của chúng dẫn đến sự chuyển hóa về chất của chúng. Tính tuyệt đối của đấu tranh gắn với sự tự thân vận động, phát triển diễn ra không ngừng của sự vật, hiện tượng. Về vấn đề này, khi chú ý nhiều hơn đến tính tuyệt đối của “đấu tranh”, V.I. Lênin đã viết: “Sự phát triển là một cuộc “đấu tranh” giữa các mặt đối lập”[3].

Mâu thuẫn tồn tại khách quan trong mọi lĩnh vực của thế giới và vô cùng đa dạng. Sự đa dạng đó phụ thuộc vào đặc điểm của các mặt đối lập, vào điều kiện mà trong đó sự tác động qua lại giữa các mặt đối lập triển khai, vào trình độ tổ chức của sự vật, hiện tượng mà trong đó mâu thuẫn tồn tại. Mỗi loại mâu thuẫn có đặc điểm riêng và có vai trò khác nhau đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng.

Căn cứ vào sự tồn tại và phát triển của toàn bộ sự vật, hiện tượng, có mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản. Mâu thuẫn cơ bản tác động trong suốt quá trình tồn tại của sự vật, hiện tượng; quy định bản chất, sự phát triển của chúng từ khi hình thành đến lúc tiêu vong. Mâu thuẫn không cơ bản đặc trưng cho một phương diện nào đó, chỉ quy định sự vận động, phát triển của một hay một số mặt của sự vật, hiện tượng và chịu sự chi phối của mâu thuẫn cơ bản.

Căn cứ vào vai trò của mâu thuẫn đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng trong mỗi giai đoạn nhất định, có thể phân chia thành mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu. Mâu thuẫn chủ yếu luôn nổi lên hàng đầu ở mỗi giai đoạn phát triển của sự vật, hiện tượng, có tác dụng quy định đối với các mâu thuẫn khác trong cùng giai đoạn đó của quá trình phát triển. Giải quyết mâu thuẫn chủ yếu sẽ tạo điều kiện để giải quyết các mâu thuẫn khác ở cùng giai đoạn, còn sự phát triển, chuyển hóa của sự vật, hiện tượng từ hình thức này sang hình thức khác phụ thuộc vào việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu. Mâu thuẫn thứ yếu là mâu thuẫn không đóng vai trò quyết định trong sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Tuy vậy, ranh giới giữa mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu chỉ là tương đối, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, có mâu thuẫn trong điều kiện này là chủ yếu, song trong điều kiện khác lại là thứ yếu và ngược lại.

Căn cứ vào quan hệ giữa các mặt đối lập với một sự vật, hiện tượng, có mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài. Mâu thuẫn bên trong là sự tác động qua lại giữa các mặt, các khuynh hướng... đối lập nằm trong chính mỗi sự vật, hiện tượng; có vai trò quy định trực tiếp quá trình vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Mâu thuẫn bên ngoài xuất hiện trong mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng với nhau; tuy cũng ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chúng, nhưng phải thông qua mâu thuẫn bên trong mới phát huy tác dụng. Các mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu đều là những mâu thuẫn giữa các mặt, các bộ phận, yếu tố bên trong cấu thành sự vật, hiện tượng nên có thể gọi chúng là mâu thuẫn bên trong. Song các đối tượng còn có những mối liên hệ và quan hệ với các đối tượng khác thuộc môi trường tồn tại của nó, những mâu thuẫn loại này được gọi là các mâu thuẫn bên ngoài. Tuy nhiên, sự phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối, bởi trong quan hệ này hoặc so với một số đối tượng này, nó là bên trong; nhưng trong quan hệ khác, so với một số đối tượng khác, nó lại là bên ngoài.

Căn cứ vào tính chất của lợi ích cơ bản là đối lập nhau trong mối quan hệ giữa các giai cấp ở một giai đoạn lịch sử nhất định, trong xã hội có mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa các giai cấp, tập đoàn người, lực lượng, xu hướng xã hội... có lợi ích cơ bản đối lập nhau và không thể điều hòa được. Đó là mâu thuẫn giữa các giai cấp bóc lột và bị bóc lột, giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị... Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa các giai cấp, tập đoàn người, lực lượng, xu hướng xã hội... có lợi ích cơ bản không đối lập nhau nên là mâu thuẫn cục bộ, tạm thời.

Nói về vai trò của mâu thuẫn đối với sự vận động và phát triển, Ph. Ăngghen nhấn mạnh, nguyên nhân chính cũng là nguyên nhân cuối cùng tạo nên nguồn gốc của sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng là sự tác động (theo hướng phủ định, thống nhất) lẫn nhau giữa chúng và giữa các mặt đối lập trong chúng. Có hai loại tác động dẫn đến vận động là tác động lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng (bên ngoài) và sự tác động lẫn nhau giữa các mặt đối lập của cùng một sự vật, hiện tượng (bên trong); nhưng chỉ có sự tác động lẫn nhau giữa các mặt đối lập (bên trong) mới làm cho sự vật, hiện tượng phát triển.

Mối quan hệ giữa các khái niệm của quy luật chỉ ra rằng, mâu thuẫn giữa các mặt đối lập trong sự vật, hiện tượng là nguyên nhân, giải quyết mâu thuẫn đó là động lực của sự vận động, phát triển. Vì vậy, sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng là tự thân. Khái quát lại, nội dung của quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là: Mọi đối tượng đều bao gồm những mặt, những khuynh hướng, lực lượng... đối lập nhau tạo thành những mâu thuẫn trong chính nó; sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập này là nguyên nhân, động lực bên trong của sự vận động và phát triển, làm cho cái cũ mất đi và cái mới ra đời.

Ý nghĩa phương pháp luận:

Thứ nhất, thừa nhận tính khách quan của mâu thuẫn trong sự vật, hiện tượng; từ đó giải quyết mâu thuẫn phải tuân theo quy luật, điều kiện khách quan. Muốn phát hiện mâu thuẫn cần tìm ra thể thống nhất của các mặt đối lập trong sự vật, hiện tượng; từ đó tìm ra phương hướng, giải pháp đúng cho hoạt động nhận thức và thực tiễn.

Thứ hai, phân tích mâu thuẫn cần bắt đầu từ việc xem xét quá trình phát sinh, phát triển của từng loại mâu thuẫn; xem xét vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa các mâu thuẫn và điều kiện chuyển hóa giữa chúng. Phải biết phân tích cụ thể một mâu thuẫn cụ thể và đề ra được phương pháp giải quyết mâu thuẫn đó.

Thứ ba, phải nắm vững nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn bằng đấu tranh giữa các mặt đối lập, không điều hòa mâu thuẫn cũng không nóng vội hay bảo thủ, bởi giải quyết mâu thuẫn còn phụ thuộc vào điều kiện đã đủ và chín muồi hay chưa.

[2]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.240.




TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Hãy chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy hữu ích

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh


XEM TỬ VI CÙNG CHUYÊN GIA
Tử Vi trọn đời, Tiền tài - Sự nghiệp, Tình duyên - Hôn nhân, Tử tức, Vận hạn
Đặt lịch xem Tử Vi miễn phí tại >> tuvi.school/p/tu-vi.html
Hoặc liên hệ qua zalo: 0389.235.889 (Mrs. Phượng)