Vật chất và phương thức tồn tại của vật chất

Vật chất và phương thức tồn tại của vật chất



Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Triết học Mác - Lênin

Vật chất và phương thức tồn tại của vật chất

a) Quan niệm của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật trước C. Mác về phạm trù vật chất

Các nhà triết học duy tâm, cả chủ nghĩa duy tâm khách quan và chủ nghĩa duy tâm chủ quan, từ thời cổ đại đến hiện đại tuy buộc phải thừa nhận sự tồn tại của các sự vật, hiện tượng của thế giới nhưng lại phủ nhận đặc trưng “tự thân tồn tại” của chúng. Chủ nghĩa duy tâm khách quan thừa nhận sự tồn tại hiện thực của giới tự nhiên, nhưng lại cho rằng nguồn gốc của nó là do “sự tha hóa” của “tinh thần thế giới”. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan cho rằng đặc trưng cơ bản nhất của mọi sự vật, hiện tượng là sự tồn tại lệ thuộc vào chủ quan, tức là một hình thức tồn tại khác của ý thức. Do đó về mặt nhận thức luận, chủ nghĩa duy tâm cho rằng con người hoặc là không thể, hoặc là chỉ nhận thức được cái bóng, cái bề ngoài của sự vật, hiện tượng. Thậm chí theo họ, quá trình nhận thức của con người chẳng qua chỉ là quá trình ý thức đi “tìm lại” chính bản thân mình dưới hình thức khác. Như vậy, về thực chất, các nhà triết học duy tâm đã phủ nhận đặc tính tồn tại khách quan của vật chất. Thế giới quan duy tâm rất gần với thế giới quan tôn giáo và tất yếu dẫn họ đến với thần học.

Quan điểm nhất quán từ xưa đến nay của các nhà triết học duy vật là thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất, lấy bản thân giới tự nhiên để giải thích tự nhiên. Lập trường đó là đúng đắn, song chưa đủ để các nhà duy vật trước C. Mác đi đến một quan niệm hoàn chỉnh về phạm trù nền tảng này. Tuy vậy, cùng với những tiến bộ của lịch sử, quan niệm của các nhà triết học duy vật về vật chất cũng từng bước phát triển theo hướng ngày càng sâu sắc và trừu tượng hóa khoa học hơn.

Chủ nghĩa duy vật thời cổ đại. Thời cổ đại, đặc biệt là ở Hy Lạp - La Mã, Trung Quốc, Ấn Độ đã xuất hiện chủ nghĩa duy vật với quan niệm chất phác về giới tự nhiên, về vật chất. Nhìn chung, các nhà duy vật thời cổ đại quy vật chất về một hay một vài dạng cụ thể và xem chúng là khởi nguyên của thế giới, tức là quy vật chất về những vật thể hữu hình, cảm tính đang tồn tại ở thế giới bên ngoài, chẳng hạn: nước (Thales), lửa (Heraclitus), không khí (Anaximenes); đất, nước, lửa, gió (Tứ đại - Ấn Độ); kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (Ngũ hành - Trung Quốc). Một số trường hợp đặc biệt quy vật chất (không chỉ vật chất mà thế giới) về những cái trừu tượng như Không (Phật giáo), Đạo (Lão Trang).

Một bước tiến mới trên con đường xây dựng quan niệm duy vật về vật chất được thể hiện trong quan niệm của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Anaximander. Anaximander cho rằng, cơ sở đầu tiên của mọi vật trong vũ trụ là một dạng vật chất đơn nhất, vô định, vô hạn và tồn tại vĩnh viễn, đó là Apeirôn. Theo Anaximander, Apeirôn luôn ở trong trạng thái vận động và từ đó nảy sinh những mặt đối lập chất chứa trong nó, như nóng và lạnh, khô và ướt, sinh ra và chết đi, v.v.. Đây là một cố gắng muốn thoát ly cách nhìn trực quan về vật chất, muốn tìm một bản chất sâu sắc hơn đang ẩn giấu phía sau các hiện tượng cảm tính bề ngoài các sự vật. Tuy nhiên, khi Anaximander cho rằng, Apeirôn là một cái gì đó ở giữa nước và không khí thì ông vẫn chưa vượt khỏi hạn chế của các quan niệm trước đó về vật chất.

Bước tiến quan trọng nhất của sự phát triển phạm trù vật chất là định nghĩa vật chất của hai nhà triết học Hy Lạp cổ đại là Leucippus (Lơxíp) (khoảng 500 - 440 trước Công nguyên) và Democritos (Đêmôcrít) (khoảng 460 - 370 trước Công nguyên). Cả hai ông đều cho rằng, vật chất là nguyên tử. Nguyên tử theo họ là những hạt nhỏ nhất, không thể phân chia, không khác nhau về chất, tồn tại vĩnh viễn và sự phong phú của chúng về hình dạng, tư thế, trật tự sắp xếp quy định tính muôn vẻ của vạn vật. Theo thuyết nguyên tử thì vật chất theo nghĩa bao quát nhất, chung nhất không đồng nghĩa với những vật thể mà con người có thể cảm nhận được một cách trực tiếp, mà là một lớp các phần tử hữu hình rộng rãi nằm sâu trong mỗi sự vật, hiện tượng. Quan niệm này không những thể hiện một bước tiến khá xa của các nhà triết học duy vật trong quá trình tìm kiếm một định nghĩa đúng đắn về vật chất mà còn có ý nghĩa như một dự báo khoa học tài tình của con người về cấu trúc của thế giới vật chất nói chung.

Chủ nghĩa duy vật thế kỷ XV - XVIII. Bắt đầu từ thời kỳ phục hưng (thế kỷ XV), phương Tây đã có sự bứt phá so với phương Đông ở chỗ khoa học thực nghiệm ra đời, đặc biệt là sự phát triển mạnh của cơ học, công nghiệp. Đến thế kỷ XVII - XVIII, chủ nghĩa duy vật mang hình thức chủ nghĩa duy vật siêu hình, máy móc. Thuyết nguyên tử vẫn được các nhà triết học và khoa học tự nhiên thời kỳ phục hưng và cận đại (thế kỷ XV - XVIII) như Galilei (Galilê), Bacon, Hobbes, Spinoza, Holbach, Diderot, Newton (Niutơn)... tiếp tục nghiên cứu, khẳng định trên lập trường duy vật. Đặc biệt, những thành công kỳ diệu của Newton trong vật lý học cổ điển (nghiên cứu cấu tạo và thuộc tính của các vật thể vật chất vĩ mô - bắt đầu tính từ nguyên tử trở lên) và việc khoa học vật lý thực nghiệm chứng minh được sự tồn tại thực sự của nguyên tử càng làm cho quan niệm trên đây được củng cố thêm.

Song, do chưa thoát khỏi phương pháp tư duy siêu hình nên nhìn chung các nhà triết học duy vật thời kỳ cận đại đã không đưa ra được những khái quát triết học đúng đắn. Họ thường đồng nhất vật chất với khối lượng, coi những định luật cơ học như những chân lý không thể thêm bớt và giải thích mọi hiện tượng của thế giới theo những chuẩn mực thuần túy cơ học; xem vật chất, vận động, không gian, thời gian như những thực thể khác nhau, không có mối liên hệ nội tại với nhau... Cũng có một số nhà triết học thời kỳ này cố gắng vạch ra những sai lầm của thuyết nguyên tử (chẳng hạn như Descartes, Kant...) nhưng không nhiều và không thể làm thay đổi căn bản cái nhìn cơ học về thế giới, không đủ đưa đến một định nghĩa hoàn toàn mới về phạm trù vật chất.

b) Cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và sự phá sản của các quan điểm duy vật siêu hình về vật chất

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong vật lý học đã có nhiều phát minh quan trọng. Năm 1895, Wilhelm Conrad Rontgen (Rơnghen), phát hiện ra tia X. Năm 1896, Henri Becquerel (Béccơren), phát hiện ra hiện tượng phóng xạ của nguyên tố urani. Năm 1897, Joseph John Thomson (Tômxơn), phát hiện ra điện tử. Năm 1901, Kaufman đã chứng minh được khối lượng của điện tử không phải là bất biến mà thay đổi theo vận tốc vận động của nguyên tử. Năm 1898 - 1902, nhà nữ vật lý học người Ba Lan - Marie Sklodowska (Mari Scôlôđốpsca) cùng với chồng là Pierre Curie, nhà hóa học người Pháp, đã khám phá ra chất phóng xạ mạnh là pôlôni và rađium. Những phát hiện vĩ đại đó chứng tỏ rằng, nguyên tử không phải là phần tử nhỏ nhất mà nó có thể bị phân chia, chuyển hóa. Năm 1905, thuyết tương đối hẹp và năm 1916, thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein (A. Anhxtanh) ra đời đã chứng minh: Không gian, thời gian, khối lượng luôn biến đổi cùng với sự vận động của vật chất. Thế giới vật chất không có và không thể có những vật thể không có kết cấu, tức là không thể có đơn vị cuối cùng, tuyệt đối đơn giản và bất biến để đặc trưng chung cho vật chất. Thế giới ấy còn nhiều điều “kỳ lạ” mà con người đã và đang tiếp tục khám phá, chẳng hạn: sự chuyển hóa giữa hạt và trường, sóng và hạt, hạt và phản hạt, “hụt khối lượng”, quan hệ bất định, v.v.. V.I. Lênin viết: “Điện tử cũng vô cùng tận như nguyên tử; tự nhiên là vô tận”[1] là hoàn toàn đúng đắn.

Trước những phát hiện trên của khoa học tự nhiên, không ít nhà khoa học và triết học đứng trên lập trường duy vật tự phát, siêu hình đã hoang mang, dao động, hoài nghi tính đúng đắn của chủ nghĩa duy vật. Họ cho rằng, nguyên tử không phải là phần tử nhỏ nhất, mà có thể bị phân chia, tan rã, bị “mất đi”. Do đó, vật chất cũng có thể biến mất; có hiện tượng không có khối lượng cơ học, hạt chuyển thành trường, cũng có nghĩa là vật chất chỉ còn là năng lượng, là sóng phi vật chất; quy luật cơ học không còn tác dụng gì trong thế giới vật chất “kỳ lạ”, thế giới tồn tại không có quy luật, mọi khoa học trở thành thừa và nếu có chăng cũng chỉ là sự sáng tạo tùy tiện của tư duy con người; khách thể tiêu tan, chủ thể trở thành cái có trước, cái còn lại duy nhất là chúng ta và cảm giác cùng tư duy của chúng ta để tổ chức những cảm giác đó. Theo đó, Ernst Mach (E. Makhơ) phủ nhận tính hiện thực khách quan của điện tử. Wilhelm Ostwald (Ốtvan) phủ nhận sự tồn tại thực tế của nguyên tử và phân tử. Còn Henri Bergson (Piếcsơn) thì định nghĩa: Vật chất là cái phi vật chất đang vận động (!). Đây chính là cuộc khủng hoảng vật lý học hiện đại mà như V.I. Lênin khẳng định, thực chất của nó “là ở sự đảo lộn của những quy luật cũ và những nguyên lý cơ bản, ở sự gạt bỏ thực tại khách quan ở bên ngoài ý thức, tức là ở sự thay thế chủ nghĩa duy vật bằng chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa bất khả tri”[2].

Tình hình trên đã làm cho nhiều nhà khoa học tự nhiên trượt từ chủ nghĩa duy vật máy móc, siêu hình sang chủ nghĩa tương đối, rồi rơi vào chủ nghĩa duy tâm. V.I. Lênin gọi đó là “chủ nghĩa duy tâm vật lý học” và coi đó là “một bước ngoặt nhất thời”, là “thời kỳ ốm đau ngắn ngủi”, là “chứng bệnh của sự trưởng thành”, là “một vài sản phẩm chết, một vài thứ cặn bã nào đó phải vứt vào sọt rác”2. Để khắc phục cuộc khủng hoảng này, V.I. Lênin cho rằng: “Tinh thần duy vật cơ bản của vật lý học, cũng như của tất cả các khoa học tự nhiên hiện đại, sẽ chiến thắng tất cả mọi thứ khủng hoảng, nhưng với điều kiện tất yếu là chủ nghĩa duy vật biện chứng phải thay thế chủ nghĩa duy vật siêu hình”3.

c) Quan niệm của triết học Mác - Lênin về vật chất

Trong đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm, thuyết bất khả tri và phê phán chủ nghĩa duy vật siêu hình, máy móc, C. Mác và Ph. Ăngghen đã đưa ra những tư tưởng rất quan trọng về vật chất.

Theo Ph. Ăngghen, để có một quan niệm đúng đắn về vật chất, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa vật chất với tính cách là một phạm trù của triết học với bản thân các sự vật, hiện tượng cụ thể của thế giới vật chất. “Vật chất, với tư cách là vật chất, là một sáng tạo thuần túy của tư duy và là một sự trừu tượng. Chúng ta bỏ qua những sự khác nhau về chất của những sự vật, khi chúng ta gộp chúng, với tư cách là những vật tồn tại hữu hình, vào khái niệm vật chất. Do đó, khác với những vật chất nhất định và đang tồn tại, vật chất, với tính cách là vật chất, không có sự tồn tại cảm tính”[3]. Như vậy, vật chất với tính cách là vật chất, một sáng tạo thuần túy của tư duy, và là một trừu tượng thuần túy, không có sự tồn tại cảm tính.

Ph. Ăngghen cũng chỉ ra rằng, bản thân phạm trù vật chất cũng không phải là sự sáng tạo tùy tiện của tư duy con người, mà trái lại, là kết quả của con đường trừu tượng hóa của tư duy con người về các sự vật, hiện tượng có thể cảm biết được bằng các giác quan. Các sự vật, hiện tượng của thế giới, dù rất phong phú, muôn vẻ nhưng chúng vẫn có một đặc tính chung, thống nhất đó là tính vật chất - tính tồn tại độc lập không lệ thuộc vào ý thức. Để bao quát được tất cả các sự vật, hiện tượng cụ thể, thì tư duy cần phải nắm lấy đặc tính chung này và đưa nó vào trong phạm trù vật chất. “Ê-te có tính vật chất không? Nếu ê-te nói chung tồn tại thì ê-te phải có tính vật chất, nó phải nằm trong khái niệm vật chất”2.

Đặc biệt, Ph. Ăngghen khẳng định, xét về thực chất, nội hàm của phạm trù vật chất chẳng qua chỉ là sự tóm tắt, tập hợp theo những thuộc tính chung của tính phong phú, muôn vẻ nhưng có thể cảm biết được bằng các giác quan của các sự vật, hiện tượng của thế giới vật chất. “Thực thể, vật chất không phải cái gì khác hơn là tổng số những vật thể từ đó người ta rút ra khái niệm ấy bằng con đường trừu tượng hóa; vận động với tính cách là vận động không phải là cái gì khác hơn là tổng số những hình thức vận động có thể cảm biết được bằng các giác quan; những từ như “vật chất” và “vận động” chỉ là những sự tóm tắt trong đó chúng ta tập hợp theo những thuộc tính chung của chúng, rất nhiều sự vật khác nhau có thể cảm biết được bằng các giác quan. Vì thế chỉ có thể nhận thức được vật chất và vận động bằng cách nghiên cứu những vật thể riêng biệt và những hình thức riêng lẻ của vận động, và khi chúng ta nhận thức được những cái ấy thì chúng ta cũng nhận thức được cả vật chất và vận động với tính cách là vật chất và vận động”[4].

C. Mác không đưa ra một định nghĩa về vật chất, nhưng đã vận dụng đúng đắn quan điểm duy vật biện chứng về vật chất trong phân tích những vấn đề chính trị - xã hội, đặc biệt là trong phân tích quá trình sản xuất vật chất của xã hội và mở rộng quan điểm duy vật biện chứng về vật chất để phân tích tồn tại xã hội và mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội. C. Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định quan điểm duy vật biện chứng của mình trong nghiên cứu lịch sử như sau: Những tiền đề xuất phát của tôi, “Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ thấy có sẵn cũng như những điều kiện do hoạt động của chính họ tạo ra...”[5]. Như vậy, vật chất trong xã hội chính là tồn tại của chính bản thân con người cùng với những điều kiện sinh hoạt vật chất của con người, hoạt động vật chất và những quan hệ vật chất giữa người với người.

V.I. Lênin đã tiến hành tổng kết toàn diện những thành tựu mới nhất của khoa học, đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa hoài nghi, duy tâm đang lầm lẫn hoặc xuyên tạc những thành tựu mới trong nhận thức cụ thể của con người về vật chất, mưu toan bác bỏ chủ nghĩa duy vật, qua đó bảo vệ và phát triển quan niệm duy vật biện chứng về phạm trù vật chất.

Để đưa ra được một quan niệm thực sự khoa học về vật chất, V.I. Lênin đặc biệt quan tâm đến việc tìm kiếm phương pháp định nghĩa cho phạm trù này. Kế thừa những tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã định nghĩa vật chất với tư cách là một phạm trù triết học và bằng cách đem đối lập với phạm trù ý thức trên phương diện nhận thức luận cơ bản. V.I. Lênin viết: “không thể đem lại cho hai khái niệm nhận thức luận này một định nghĩa nào khác ngoài cách chỉ rõ rằng trong hai khái niệm đó, cái nào được coi là có trước”[6].

Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, V.I. Lênin đã đưa ra định nghĩa về vật chất như sau: “Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”2. Đây là một định nghĩa hoàn chỉnh về vật chất mà cho đến nay các nhà khoa học hiện đại coi là một định nghĩa kinh điển.

Định nghĩa vật chất của V.I. Lênin bao hàm các nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, vật chất là thực tại khách quan - cái tồn tại hiện thực bên ngoài ý thức và không lệ thuộc vào ý thức.

Khi nói vật chất là một phạm trù triết học là muốn nói phạm trù này là sản phẩm của sự trừu tượng hóa, không có sự tồn tại cảm tính. Nhưng khác về nguyên tắc với mọi sự trừu tượng hóa mang tính chất duy tâm chủ nghĩa về phạm trù này, V.I. Lênin nhấn mạnh rằng, phạm trù triết học này dùng để chỉ cái ““đặc tính” duy nhất của vật chất - mà chủ nghĩa duy vật triết học là gắn liền với việc thừa nhận đặc tính này - là cái đặc tính tồn tại với tư cách là thực tại khách quan, tồn tại ở ngoài ý thức của chúng ta”[7]. Nói cách khác, tính trừu tượng của phạm trù vật chất bắt nguồn từ cơ sở hiện thực, do đó, không tách rời tính hiện thực cụ thể của nó. Nói đến vật chất là nói đến tất cả những gì đã và đang hiện hữu thực sự bên ngoài ý thức của con người. Vật chất là hiện thực chứ không phải là hư vô và hiện thực này mang tính khách quan chứ không phải hiện thực chủ quan. Đây cũng chính là cái “phạm vi hết sức hạn chế” mà ở đó, theo V.I. Lênin, sự đối lập giữa vật chất và ý thức là tuyệt đối. Tuyệt đối hóa tính trừu tượng của phạm trù này sẽ không thấy vật chất, sẽ rơi vào quan điểm duy tâm. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa tính hiện thực cụ thể của phạm trù này sẽ đồng nhất vật chất với vật thể, và đó là thực chất quan điểm của chủ nghĩa duy vật trước C. Mác về vấn đề này. Như vậy, mọi sự vật, hiện tượng từ vi mô đến vĩ mô, từ những cái đã biết đến những cái chưa biết, từ những sự vật “giản đơn nhất” đến những hiện tượng vô cùng “kỳ lạ”, dù tồn tại trong tự nhiên hay trong xã hội cũng đều là những đối tượng tồn tại khách quan, độc lập với ý thức con người, nghĩa là đều thuộc phạm trù vật chất, đều là các dạng cụ thể của vật chất. Xã hội loài người cũng là một dạng tồn tại đặc biệt của vật chất. Theo V.I. Lênin, trong đời sống xã hội thì “khách quan không phải theo ý nghĩa là một xã hội những sinh vật có ý thức, những con người, có thể tồn tại và phát triển không phụ thuộc vào sự tồn tại của những sinh vật có ý thức (...), mà khách quan theo ý nghĩa là tồn tại xã hội không phụ thuộc vào ý thức xã hội của con người”[8].

Khẳng định trên đây có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phê phán thế giới quan duy tâm vật lý học, giải phóng khoa học tự nhiên khỏi cuộc khủng hoảng thế giới quan, khuyến khích các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu thế giới vật chất, khám phá ra những thuộc tính mới, kết cấu mới của vật chất, không ngừng làm phong phú tri thức của con người về thế giới.

Thứ hai, vật chất là cái mà khi tác động vào các giác quan con người thì đem lại cho con người cảm giác.

Trái với quan niệm “khách quan” mang tính chất duy tâm về sự tồn tại của vật chất, V.I. Lênin khẳng định rằng, vật chất luôn biểu hiện đặc tính hiện thực khách quan của mình thông qua sự tồn tại không lệ thuộc vào ý thức của các sự vật, hiện tượng cụ thể, tức là luôn biểu hiện sự tồn tại hiện thực của mình dưới dạng các thực thể. Các thực thể này do những đặc tính bản thể luận vốn có của nó, nên khi trực tiếp hoặc gián tiếp tác động vào các giác quan sẽ đem lại cho con người những cảm giác. Mặc dù không phải mọi sự vật, hiện tượng, quá trình trong thế giới khi tác động lên giác quan của con người đều được các giác quan con người nhận biết; có cái phải qua dụng cụ khoa học, thậm chí có cái bằng dụng cụ khoa học nhưng cũng chưa biết; có cái đến nay vẫn chưa có dụng cụ khoa học để biết được; song, nếu nó tồn tại khách quan, hiện thực ở bên ngoài, độc lập, không phụ thuộc vào ý thức của con người thì nó vẫn là vật chất.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng không bàn đến vật chất một cách chung chung, mà bàn đến nó trong mối quan hệ với ý thức của con người; trong đó, xét trên phương diện nhận thức luận thì vật chất là cái có trước, là tính thứ nhất, là cội nguồn của cảm giác (ý thức); còn cảm giác (ý thức) là cái có sau, là tính thứ hai, là cái phụ thuộc vào vật chất. Đó cũng là câu trả lời theo lập trường nhất nguyên duy vật của V.I. Lênin đối với mặt thứ nhất vấn đề cơ bản của triết học.

Thứ ba, vật chất là cái mà ý thức chẳng qua chỉ là sự phản ánh của nó.

Chỉ có một thế giới duy nhất là thế giới vật chất. Trong thế giới ấy, theo quy luật vốn có của nó mà đến một thời điểm nhất định sẽ cùng một lúc tồn tại hai hiện tượng - hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần. Các hiện tượng vật chất luôn tồn tại khách quan, không lệ thuộc vào các hiện tượng tinh thần. Còn các hiện tượng tinh thần (cảm giác, tư duy, ý thức...) lại luôn luôn có nguồn gốc từ các hiện tượng vật chất và những gì có được trong các hiện tượng tinh thần ấy (nội dung của chúng) chẳng qua cũng chỉ là chép lại, chụp lại, là bản sao của các sự vật, hiện tượng đang tồn tại với tư cách là hiện thực khách quan. Như vậy, cảm giác là cơ sở duy nhất của mọi sự hiểu biết, song bản thân nó lại không ngừng chép lại, chụp lại, phản ánh hiện thực khách quan, nên về nguyên tắc, con người có thể nhận thức được thế giới vật chất. Trong thế giới vật chất không có gì là không thể biết, chỉ có những cái đã biết và những cái chưa biết, do hạn chế của con người trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Cùng với sự phát triển của khoa học, các giác quan của con người ngày càng được “nối dài”, giới hạn nhận thức của các thời đại bị vượt qua, bị mất đi chứ không phải vật chất mất đi như những người duy tâm quan niệm.

Khẳng định trên đây có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bác bỏ thuyết “bất khả tri”, đồng thời có tác dụng khuyến khích các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu thế giới vật chất, góp phần làm giàu kho tàng tri thức nhân loại. Ngày nay, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn ngày càng phát triển với những khám phá mới càng khẳng định tính đúng đắn của quan niệm duy vật biện chứng về vật chất, chứng tỏ định nghĩa vật chất của V.I. Lênin vẫn giữ nguyên giá trị, và do đó, chủ nghĩa duy vật biện chứng ngày càng khẳng định vai trò là hạt nhân thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn của các khoa học hiện đại.

Ý nghĩa phương pháp luận của quan niệm vật chất của triết học Mác - Lênin

Định nghĩa vật chất của V.I. Lênin đã giải quyết hai mặt vấn đề cơ bản của triết học trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng; cung cấp nguyên tắc thế giới quan và phương pháp luận khoa học để đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm, thuyết không thể biết, chủ nghĩa duy vật siêu hình và mọi biểu hiện của chúng trong triết học tư sản hiện đại về phạm trù này. Trong nhận thức và thực tiễn, đòi hỏi con người phải quán triệt nguyên tắc khách quan, xuất phát từ hiện thực khách quan, tôn trọng khách quan, nhận thức và vận dụng đúng quy luật khách quan... Định nghĩa vật chất của V.I. Lênin là cơ sở khoa học cho việc xác định vật chất trong lĩnh vực xã hội, đó là các điều kiện sinh hoạt vật chất, hoạt động vật chất và các quan hệ vật chất xã hội giữa người với người. Nó còn tạo sự liên kết giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử thành một hệ thống lý luận thống nhất, góp phần tạo nên nền tảng lý luận khoa học cho việc phân tích một cách duy vật biện chứng các vấn đề của chủ nghĩa duy vật lịch sử, trước hết là các vấn đề về sự vận động và phát triển của phương thức sản xuất vật chất, về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về mối quan hệ giữa quy luật khách quan của lịch sử và hoạt động có ý thức của con người...

d) Phương thức tồn tại của vật chất

Phương thức tồn tại của vật chất tức là cách thức tồn tại và hình thức tồn tại của vật chất. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định: Vận động là cách thức tồn tại, đồng thời là hình thức tồn tại của vật chất; không gian, thời gian là hình thức tồn tại của vật chất.

* Vận động

Sự tồn tại của thế giới vật chất hết sức phong phú và phức tạp. Với tư cách là một khái niệm triết học, vận động theo nghĩa chung nhất là mọi sự biến đổi nói chung. Ph. Ăngghen viết: “Vận động, hiểu theo nghĩa chung nhất, - tức được hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất, - thì bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy”[9].

- Vận động là phương thức tồn tại của vật chất

Trước hết, vận động là thuộc tính cố hữu của vật chất. Không ở đâu và ở nơi nào lại có thể có vật chất không vận động. Sự tồn tại của vật chất là tồn tại bằng cách vận động, tức là vật chất dưới các dạng thức của nó luôn luôn trong quá trình biến đổi không ngừng. Các dạng tồn tại cụ thể của vật chất không thể không có thuộc tính vận động. Thế giới vật chất, từ những thiên thể khổng lồ đến những hạt cơ bản vô cùng nhỏ, từ giới vô cơ đến giới hữu cơ, từ hiện tượng tự nhiên đến hiện tượng xã hội, tất cả đều ở trạng thái không ngừng vận động, biến đổi. Sở dĩ như vậy là vì, bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng là một thể thống nhất có kết cấu nhất định giữa các nhân tố, các khuynh hướng, các bộ phận khác nhau, đối lập nhau. Trong hệ thống ấy, chúng luôn tác động, ảnh hưởng lẫn nhau và chính sự ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau ấy gây ra sự biến đổi nói chung, tức là vận động. Như thế, vận động của vật chất là tự thân vận động và mang tính phổ biến.

Vật chất chỉ có thể tồn tại bằng cách vận động và thông qua vận động mà biểu hiện sự tồn tại của nó với các hình dạng phong phú, muôn vẻ, vô tận. Do đó, con người chỉ nhận thức được sâu sắc sự vật, hiện tượng bằng cách xem xét chúng trong quá trình vận động. Nhận thức sự vận động của một sự vật, một hiện tượng chính là nhận thức bản thân sự vật, hiện tượng đó. Nhiệm vụ của mọi khoa học, suy đến cùng và xét về thực chất là nghiên cứu sự vận động của vật chất trong các phạm vi, lĩnh vực, trình độ, kết cấu khác nhau. Ph. Ăngghen khẳng định: “Các hình thức và các dạng khác nhau của vật chất chỉ có thể nhận thức được thông qua vận động; thuộc tính của vật thể chỉ bộc lộ qua vận động; về một vật thể không vận động thì không có gì mà nói cả”[10].

Chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo cho rằng, có vận động mà không có vật chất, tức là có lực lượng phi vật chất vận động bên ngoài thế giới vật chất. Một số nhà duy tâm còn viện dẫn cả những thành tựu của khoa học hiện đại để minh chứng cho quan điểm của chủ nghĩa duy năng ra đời từ thế kỷ XIX. Họ giải thích mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa khối lượng và năng lượng thành sự biến đổi của khối lượng thành năng lượng phi vật chất. V.I. Lênin cho rằng, quan niệm trên đây của các nhà triết học duy tâm chẳng qua chỉ là “thử dùng thuật ngữ “mới” để ngụy trang cho những sai lầm cũ về nhận thức luận”[11].

Vận động là thuộc tính cố hữu và là phương thức tồn tại của vật chất; do đó, nó tồn tại vĩnh viễn, không thể tạo ra và không bị tiêu diệt. Quan niệm về tính không thể tạo ra và không bị tiêu diệt của vận động đã được các nhà khoa học tự nhiên chứng minh bằng quy luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng. Theo quy luật này, vận động của vật chất được bảo toàn cả về số lượng và chất lượng. Bảo toàn về lượng của vận động có nghĩa là tổng số vận động của vũ trụ là không thay đổi, lượng vận động của sự vật này mất đi thì cũng ngang bằng lượng vận động của các sự vật khác nhận được. Bảo toàn về chất của vận động là bảo toàn các hình thức vận động và bảo toàn khả năng chuyển hóa của các hình thức vận động. Một hình thức vận động cụ thể thì có thể mất đi để chuyển hóa thành hình thức vận động khác, còn vận động nói chung tồn tại vĩnh viễn gắn liền với bản thân vật chất.

- Những hình thức vận động cơ bản của vật chất

Hình thức vận động của vật chất rất đa dạng, được biểu hiện ra với các quy mô, trình độ và tính chất hết sức khác nhau. Việc khám phá và phân chia các hình thức vận động của vật chất diễn ra cùng với sự phát triển nhận thức của con người. Dựa vào những thành tựu khoa học của thời đại mình, Ph. Ăngghen đã chia vận động của vật chất thành năm hình thức cơ bản: cơ học, vật lý, hóa học, sinh học và xã hội. “Vận động trong không gian vũ trụ, vận động cơ học của các vật thể tương đối nhỏ trên một thiên thể riêng biệt, chấn động phân tử dưới hình thức nhiệt, dòng điện, dòng từ phổ, phân giải và hợp chất hóa học, sự sống hữu cơ cho đến cái sản phẩm cao nhất của nó là tư duy”[12].

Thông qua các hình thức cơ bản của vận động cho thấy, vật chất tồn tại hiện hữu dưới dạng là một đối tượng cơ học, hay vật lý, hóa học, sinh học hoặc xã hội. Chính vì vậy, vận động nói chung là một hình thức tồn tại của vật chất. Cơ sở của sự phân chia đó dựa trên các nguyên tắc: các hình thức vận động phải tương ứng với trình độ nhất định của tổ chức vật chất; các hình thức vận động có mối liên hệ phát sinh, nghĩa là hình thức vận động cao nảy sinh trên cơ sở của những hình thức vận động thấp và bao hàm hình thức vận động thấp; hình thức vận động cao khác về chất so với hình thức vận động thấp và không thể quy về hình thức vận động thấp. Việc phân chia các hình thức vận động cơ bản có ý nghĩa quan trọng đối với việc phân chia đối tượng và xác định mối quan hệ giữa các ngành khoa học, đồng thời cũng cho phép vạch ra các nguyên lý đặc trưng cho sự tương quan giữa các hình thức vận động của vật chất. Trong tương lai, khoa học hiện đại có thể sẽ phát hiện ra những trình độ tổ chức vật chất mới, và do đó, cũng có thể tìm ra những hình thức vận động mới, cho nên có thể và cần phải phát triển, bổ sung cho sự phân loại nói trên của Ph. Ăngghen, mặc dù những nguyên tắc căn bản của sự phân loại đó vẫn giữ nguyên giá trị.

Các hình thức vận động tồn tại trong mối liên hệ không thể tách rời nhau. Giữa hai hình thức vận động cao và thấp có thể có hình thức vận động trung gian, đó là những mắt khâu chuyển tiếp trong quá trình chuyển hóa lẫn nhau của các hình thức vận động. Tuy nhiên, những kết cấu vật chất đặc thù bao giờ cũng được đặc trưng bởi một hình thức vận động cơ bản nhất định và khi đó các hình thức vận động khác chỉ tồn tại như những nhân tố, những vệ tinh của hình thức vận động cơ bản. Vì vậy, vừa phải thấy mối liên hệ giữa các hình thức vận động, vừa phải phân biệt sự khác nhau về chất của chúng.

Các nhà triết học duy vật thế kỷ XVII và XVIII, do quan niệm siêu hình, đã quy mọi hình thức vận động thành một hình thức duy nhất là vận động cơ học. Họ coi hoạt động của giới tự nhiên và của cả con người không gì khác hơn là hoạt động của một cỗ máy. Việc quy hình thức vận động phức tạp thành hình thức vận động giản đơn được gọi là chủ nghĩa cơ giới. Quan niệm sai lầm của chủ nghĩa cơ giới là nguyên nhân dẫn đến bế tắc trong việc lý giải những biến đổi của thế giới sinh vật và xã hội.

Đến giữa thế kỷ XIX, những người theo chủ nghĩa Đácuyn xã hội, một biến tướng của chủ nghĩa cơ giới, lại quy vận động xã hội thành vận động sinh học, coi con người như là một sinh vật thuần túy. Họ cho rằng, sự tồn tại, phát triển của xã hội là quá trình chọn lọc tự nhiên, trong đó con người cắn xé, tiêu diệt lẫn nhau để sinh tồn, kẻ nào mạnh, thích ứng được thì tồn tại, ngược lại sẽ bị tiêu diệt. Rõ ràng, thuyết tiến hóa của Darwin (Đácuyn) là một khoa học chân chính; còn chủ nghĩa Đácuyn xã hội là sai lầm, bịa đặt vì nó hạ con người xuống hàng con vật. Sự ra đời của chủ nghĩa Đácuyn xã hội có nguồn gốc nhận thức, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân giai cấp. Nó là cơ sở lý luận cho sự áp đặt trật tự tư bản, biện hộ cho chính sách xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. V.I. Lênin cho rằng, dựa vào những khái niệm như “đấu tranh sinh tồn”, “đồng hóa”, “dị hóa” thì sẽ không hiểu gì về khoa học xã hội, và do đó không thể dán nhãn hiệu “sinh vật học” lên những hiện tượng xã hội như khủng hoảng kinh tế, cách mạng xã hội và đấu tranh giai cấp. Bởi vậy, nghiên cứu sự thống nhất và khác nhau của các hình thức vận động của vật chất vừa là vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng, đồng thời là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, giúp chúng ta đề phòng và khắc phục những sai lầm trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn xã hội.

- Vận động và đứng im

Sự vận động không ngừng của vật chất không những không loại trừ mà trái lại còn bao hàm trong đó sự đứng im tương đối.

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, đứng im là trạng thái ổn định về chất của sự vật, hiện tượng trong những mối quan hệ và điều kiện cụ thể, là hình thức biểu hiện sự tồn tại thực sự của các sự vật, hiện tượng và là điều kiện cho sự vận động chuyển hóa của vật chất. Như vậy, đứng im chỉ có tính tạm thời, chỉ xảy ra trong một mối quan hệ nhất định chứ không phải trong mọi mối quan hệ cùng một thời điểm, chỉ xảy ra với một hình thức vận động nào đó, ở một lúc nào đó, chứ không phải cùng một lúc đối với mọi hình thức vận động. Hơn nữa, đứng im chỉ là sự biểu hiện của một trạng thái vận động - vận động trong thăng bằng, trong sự ổn định tương đối. Nói cách khác, đứng im là một dạng của vận động, trong đó sự vật chưa thay đổi căn bản về chất, nó còn là nó chứ chưa chuyển hóa thành cái khác.

Vận động cá biệt có xu hướng hình thành, duy trì sự tồn tại ổn định của một sự vật, hiện tượng nào đó. Nhưng, vận động nói chung, tức là sự tác động qua lại của vô số các sự vật, hiện tượng, lại làm cho tất cả các sự vật, hiện tượng không ngừng biến đổi, cho nên đứng im chỉ tương đối, tạm thời. Ph. Ăngghen viết: “vận động riêng biệt có xu hướng chuyển thành cân bằng, vận động toàn bộ lại phá hoại sự cân bằng riêng biệt”[13].

Mặc dù mang tính chất tương đối tạm thời, nhưng đứng im lại “chứng thực” cho hình thức tồn tại thực sự của vật chất, là điều kiện cho sự vận động chuyển hóa của vật chất. Không có đứng im thì không có sự ổn định của sự vật và con người cũng không bao giờ nhận thức được chúng. Không có đứng im thì sự vật, hiện tượng cũng không thể thực hiện được sự vận động chuyển hóa tiếp theo. Vận động và đứng im tạo nên sự thống nhất biện chứng của các mặt đối lập trong sự phát sinh, tồn tại và phát triển của mọi sự vật, hiện tượng, nhưng vận động là tuyệt đối, còn đứng im là tương đối.

Sự vật, hiện tượng khác nhau, hoặc cùng một sự vật, hiện tượng nhưng trong các mối quan hệ khác nhau, ở các điều kiện khác nhau, thì đứng im cũng khác nhau.
Ví dụ: đứng im của một nguyên tử sẽ khác đứng im của một hình thái kinh tế - xã hội; đứng im của một xã hội về mặt chính trị sẽ khác đứng im về mặt kinh tế... Vì vậy, vấn đề không chỉ ở chỗ khẳng định tính tuyệt đối của vận động và tính tương đối của đứng im mà phải nghiên cứu sự vận động và đứng im của sự vật, hiện tượng với quan điểm lịch sử, cụ thể.

Quan niệm của phép biện chứng duy vật về vận động của vật chất đòi hỏi phải quán triệt quan điểm vận động vào nhận thức và thực tiễn. Quan điểm vận động đòi hỏi phải xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng trong quá trình vận động, đồng thời khi tiến hành cải tạo sự vật, hiện tượng phải thông qua những hình thức vận động vốn có, đặc trưng của chúng. Nhận thức các hình thức vận động của vật chất thực chất là nhận thức bản thân thế giới vật chất.

* Không gian và thời gian

Dựa trên những thành tựu của khoa học và thực tiễn, chủ nghĩa duy vật biện chứng đã khẳng định tính khách quan của không gian và thời gian, xem không gian và thời gian là hình thức tồn tại của vật chất vận động; trong đó, không gian là hình thức tồn tại của vật chất xét về mặt quảng tính, sự cùng tồn tại, trật tự, kết cấu và sự tác động lẫn nhau. Thời gian là hình thức tồn tại của vật chất vận động xét về mặt độ dài diễn biến, sự kế tiếp của các quá trình.

Không gian và thời gian là những hình thức tồn tại của vật chất vận động, được con người khái quát khi nhận thức thế giới. Không có không gian và thời gian thuần túy tách rời vật chất vận động. V.I. Lênin viết: “Trong thế giới, không có gì ngoài vật chất đang vận động và vật chất đang vận động không thể vận động ở đâu ngoài không gian và thời gian”[14].

Không gian và thời gian là hai thuộc tính, hai hình thức tồn tại khác nhau của vật chất vận động, nhưng chúng không tách rời nhau. Không có sự vật, hiện tượng nào tồn tại trong không gian mà lại không có một quá trình diễn biến của nó. Cũng không thể có sự vật, hiện tượng nào có thời gian tồn tại mà lại không có quảng tính, kết cấu nhất định. Tính chất của không gian và sự biến đổi của nó bao giờ cũng gắn liền với tính chất và sự biến đổi của thời gian và ngược lại. Do đó, về thực chất không gian và thời gian là một thể thống nhất không gian - thời gian. Vật chất có ba chiều không gian và một chiều thời gian.

Sự phát triển của triết học và khoa học đã bác bỏ quan niệm sai lầm của Newton về một không gian, thời gian thuần túy, đồng nhất. Đặc biệt, những hệ quả rút ra từ thuyết tương đối của Albert Einstein đã chứng minh rằng không gian, thời gian có tính khả biến, phụ thuộc vào tốc độ, khối lượng, trường hấp dẫn của các đối tượng vật chất và các quá trình vật chất khác nhau. Do vậy, vật chất vận động quy định không gian, thời gian chứ không phải không gian là cái “thùng rỗng”, cái “khung cứng” bất biến chứa đầy vật chất bên trong như quan niệm của những người máy móc, siêu hình.

Không gian và thời gian của vật chất nói chung là vô tận, xét về cả phạm vi lẫn tính chất. Khoa học hiện đại đã chứng minh rằng trong thế giới không ở đâu có tận cùng về không gian, cũng như không ở đâu có ngưng đọng, không biến đổi hoặc không có sự tiếp nối của các quá trình. Không gian và thời gian của một sự vật, hiện tượng cụ thể là có tận cùng và hữu hạn.

Quan niệm đúng đắn và khoa học trên đây của chủ nghĩa duy vật biện chứng về không gian và thời gian đã bác bỏ quan niệm của chủ nghĩa duy tâm chủ quan coi không gian và thời gian là hình thức trực quan tiên nghiệm, là sự sắp xếp các cảm giác mà con người thu được theo một trật tự nhất định (quan niệm của Kant), hoặc chỉ là hệ thống liên kết chặt chẽ của những chuỗi cảm giác, do con người sinh ra (quan niệm của E. Mach). Khi phân tích thực chất của những quan niệm này, V.I. Lênin cho rằng: “Đó là một điều vô lý duy tâm rõ rệt nảy sinh ra một cách tất nhiên từ học thuyết nói rằng vật thể là những phức hợp cảm giác”[15].

Quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về không gian và thời gian là cơ sở lý luận khoa học để đấu tranh chống lại quan niệm duy tâm, siêu hình tách rời không gian và thời gian với vật chất vận động. Quan niệm đó đòi hỏi phải quán triệt nguyên tắc phương pháp luận về tính lịch sử - cụ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.

đ) Tính thống nhất vật chất của thế giới

* Tồn tại của thế giới là tiền đề cho sự thống nhất của thế giới

Trong quan niệm về sự thống nhất của thế giới phải lấy việc thừa nhận sự tồn tại của nó làm tiền đề. Không thừa nhận sự tồn tại của thế giới thì không thể nói tới việc nhận thức thế giới.

Trong việc nhận thức thế giới, vấn đề đầu tiên nảy sinh đối với tư duy triết học là: Thế giới quanh ta có thực hay chỉ là sản phẩm thuần túy của tư duy con người? Hơn nữa, mọi sự vật, hiện tượng mà ta đã biết được không phải là vĩnh viễn, vậy có thể nói tới sự tồn tại của chúng và suy rộng ra có thể nói về sự tồn tại của thế giới hay không? Nếu khẳng định là có, thì tồn tại là gì?

Theo nghĩa chung nhất, tồn tại là phạm trù dùng để chỉ tính có thực của thế giới xung quanh con người. Khẳng định sự tồn tại là gạt bỏ những nghi ngờ về tính không thực, sự hư vô, tức là gạt bỏ sự “không tồn tại”.

Sự tồn tại của thế giới là hết sức phong phú về dạng, loại. Có tồn tại vật chất và tồn tại tinh thần. Có tồn tại khách quan và tồn tại chủ quan. Có tồn tại của tự nhiên và tồn tại của xã hội... Nhưng quy luật phát triển của lịch sử tư tưởng triết học vừa cho phép lại vừa đòi hỏi con người không thể dừng lại ở việc khẳng định hay phủ định tồn tại nói chung, mà phải đi đến quan niệm về bản chất của tồn tại. Theo đó, hình thành hai trường phái đối lập nhau trong việc giải quyết vấn đề này. Chủ nghĩa duy vật hiểu sự tồn tại của thế giới như một chỉnh thể mà bản chất của nó là vật chất. Trái lại, các nhà triết học duy tâm khẳng định chỉ có thế giới tinh thần mới tồn tại nên bản chất của tồn tại cũng là tinh thần.

Đúng là thế giới quanh ta tồn tại, nhưng hình thức tồn tại của thế giới là hết sức đa dạng. Vì thế, tồn tại của thế giới là tiền đề cho sự thống nhất của thế giới. Song, tính thống nhất của thế giới không phải ở sự tồn tại của nó. Sự khác nhau về nguyên tắc giữa quan niệm duy vật và quan niệm duy tâm không phải ở việc có thừa nhận hay không thừa nhận tính thống nhất của thế giới, mà là ở chỗ chủ nghĩa duy vật cho rằng, cơ sở của sự thống nhất của thế giới là ở tính vật chất của nó.

* Thế giới thống nhất ở tính vật chất

Căn cứ vào đời sống thực tiễn và sự phát triển lâu dài của triết học và khoa học, chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định bản chất của thế giới là vật chất, thế giới thống nhất ở tính vật chất. Điều đó được thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây:

- Chỉ một thế giới duy nhất và thống nhất là thế giới vật chất. Thế giới vật chất tồn tại khách quan, có trước và độc lập với ý thức con người, được ý thức con người phản ánh.

- Mọi bộ phận của thế giới có mối quan hệ vật chất thống nhất với nhau, biểu hiện ở chỗ chúng đều là những dạng cụ thể của vật chất, là sản phẩm của vật chất, cùng chịu sự chi phối của những quy luật khách quan, phổ biến của thế giới vật chất.

- Thế giới vật chất không do ai sinh ra và cũng không tự mất đi, tồn tại vĩnh viễn, vô hạn và vô tận. Trong thế giới, các sự vật, hiện tượng luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng và chuyển hóa lẫn nhau, là nguồn gốc, nguyên nhân và kết quả của nhau, về thực chất, đều là những quá trình vật chất.

Quan niệm trên đây của chủ nghĩa duy vật biện chứng đã được cuộc sống hiện thực của con người và toàn bộ sự phát triển của khoa học xác định. Con người không thể bằng ý thức của mình sản sinh ra được các đối tượng vật chất, mà chỉ có thể cải biến thế giới vật chất trên cơ sở nắm vững những thuộc tính khách quan vốn có của các dạng vật chất và những quy luật vận động của thế giới vật chất.

Với sự phát triển của thiên văn học, quang phổ học, vũ trụ học, người ta khẳng định rằng: Không hề có một thế giới siêu nhiên nào ngoài trái đất. Hóa học hiện đại đã chứng minh rằng, giới hữu cơ không có bản chất thần bí, tách biệt với giới vô cơ mà được cấu tạo từ những thành phần vô cơ, phát triển từ giới vô cơ; sự khác nhau giữa chúng chỉ ở kết cấu và trình độ tổ chức, giữa chúng có thể và tất yếu chuyển hóa sang nhau trong những điều kiện nhất định theo quy luật khách quan của thế giới vật chất.

Sự phát triển của sinh vật học, từ những phát hiện về tế bào, tiến hóa luận của Darwin cho đến lý thuyết về gen, về các phân tử ADN và ARN đã cho chúng ta biết chắc chắn rằng thực vật, động vật, cơ thể con người đều có thành phần vô cơ, có cấu trúc và phân hóa tế bào như nhau, có cùng cơ cấu di truyền sự sống, là các bậc thang trong quá trình tiến hóa của thế giới vật chất. Điều đó chứng tỏ sự phong phú của thế giới không đồng nghĩa với tổng số các biến cố ngẫu nhiên, không phải là sự bày ra lộn xộn của các sự vật, hiện tượng, không phải là sự sáng tạo ra một cách tùy tiện của một lực lượng siêu nhiên nào mà là một chỉnh thể thống nhất, trong đó các sự vật, hiện tượng luôn có mối liên hệ tất yếu với nhau, là điều kiện tồn tại cho nhau, luôn được sinh ra, phát triển và mất đi theo một lôgích nhất định, theo những quy luật khách quan vốn có của thế giới vật chất.

Sự phát triển của định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng cũng như các quy luật về vật chất vận động đều chứng minh rằng, vật chất không tự nhiên sinh ra và không mất đi, mà luôn chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Những thành tựu mới nhất về thiên văn học, cơ học lượng tử, thuyết tương đối cùng với sự phát hiện ra hạt và trường, hạt và phản hạt, cũng như khoa học thực nghiệm đã tạo ra được các phản nguyên tử, giải mã được bản đồ gen người... càng cho chúng ta thấy rõ không có thế giới phi vật chất, không có giới hạn cuối cùng của vật chất nói chung cả về quy mô, tính chất, kết cấu và thuộc tính. Cùng với sự phát triển của khoa học và thực tiễn, con người ngày càng phát hiện ra nhiều mắt khâu trung gian trong sợi dây chuyền vận động vô tận của vật chất, và chính điều ấy cho phép chúng ta khẳng định tính liên tục, thống nhất của các quá trình, các trình độ phát triển từ thấp đến cao của vật chất. Không có bất cứ sự vật, hiện tượng nào là hư vô hay sinh ra từ hư vô mà chỉ có các sự vật, hiện tượng vật chất có nguồn gốc vật chất.

Xã hội loài người suy cho cùng cũng là cấp độ đặc biệt của tổ chức vật chất và là cấp độ cao nhất của cấu trúc vật chất. Trong xã hội đó, tuy nhân tố hoạt động là những con người có ý thức, song không làm mất đi tính vật chất, khách quan của đời sống xã hội, của các quan hệ vật chất xã hội. Xã hội cũng là một bộ phận của thế giới vật chất, có nền tảng vật chất, có kết cấu và quy luật vận động khách quan không lệ thuộc vào ý thức của chính con người. Những quan hệ vật chất xã hội tồn tại khách quan, nhưng lại là kết quả của hoạt động thực tiễn của con người. Con người có vai trò năng động, sáng tạo to lớn trong thế giới vật chất, chứ hoàn toàn không hề bất lực trước nó.

Như vậy, thế giới bao gồm cả tự nhiên và xã hội, về bản chất là vật chất, thống nhất ở tính vật chất. Ph. Ăngghen kết luận: “Tính thống nhất thực sự của thế giới là ở tính vật chất của nó, và tính vật chất này được chứng minh không phải bằng vài ba lời lẽ khéo léo của kẻ làm trò ảo thuật, mà bằng một sự phát triển lâu dài và khó khăn của triết học và khoa học tự nhiên”[16].


[1]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.323.
[2], 2, 3. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.318, 388, 379.
[3], 2. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.751, 737.
[4]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.726-727.
[5]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.28-29.
[6], 2. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.171, 151.
[7]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.321.
[8]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.403.
[9]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.519.
[10]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.743.
[11]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.334.
[12]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.833.
[13]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.740.
[14]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.209-210.
[15]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.212.
[16]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.67.




TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh