Bản chất, tác động và các xu hướng cơ bản của cách mạng khoa học và công nghệ (Triết học sau đại học, dành cho các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, 2022)

Bản chất, tác động và các xu hướng cơ bản của cách mạng khoa học và công nghệ (Triết học sau đại học, dành cho các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, 2022)



Giáo trình Triết học
(Dùng cho khối không chuyên ngành Triết học trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ), Hà Nội : Chính trị Quốc gia Sự thật, 2022.

Chương IV: Vai trò của khoa học và công nghệ trong sự phát triển xã hội

Bản chất, tác động và các xu hướng cơ bản của cách mạng khoa học và công nghệ

Ngày nay cả khoa học, kỹ thuật lẫn công nghệ đều phát triển mạnh mẽ, dạng thức cách mạng là phổ biến, nổi bật, chiếm ưu thế hơn hẳn so với dạng thức tiến hóa, tiến triển từ từ. Cách mạng khoa học và công nghệ là nội dung căn bản, hình thức đặc trưng, nổi trội hiện nay của tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Cách mạng khoa học và công nghệ là sự hòa nhập, kết hợp, xoắn quyện với nhau thành một quá trình hợp nhất các quá trình cách mạng trong khoa học, trong kỹ thuật, trong công nghệ, trong đó quá trình cách mạng trong khoa học đi trước một bước, giữ vai trò dẫn đường và quyết định các quá trình cách mạng trong kỹ thuật, công nghệ và do đó cũng có vai trò dẫn đường và quyết định đối với sản xuất nói chung.

Nghiên cứu khoa học đang được công nghiệp hóa; tri thức thành lực lượng sản xuất trực tiếp, còn sản xuất trở thành nơi thực hiện thực tiễn tri thức khoa học. Khoa học trở thành cơ sở lý luận cho sản xuất và phát triển xã hội, cho quản lý ở cả các cấp độ quốc gia và toàn cầu.

- Vai trò của cách mạng khoa học công nghệ hiện nay

Xu hướng ngày càng nhiều phát minh kỹ thuật, và phát minh công nghệ và thậm chí cả các ngành công nghiệp lớn, hiện đại đã được sinh ra từ các phòng thí nghiệm và phòng thiết kế kỹ thuật: Laze, năng lượng nguyên tử, tàu du hành vũ trụ, công nghệ vi sinh, công nghệ gen, công nghiệp nhiệt độ thấp, bán dẫn, cáp quang, nanô...; Việc rút ngắn khoảng cách về mặt thời gian, giữa các ý tưởng khoa học, kỹ thuật, công nghệ và việc thực hiện thực tiễn chúng trong sản xuất là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của cách mạng khoa học và công nghệ, và là một tính qui luật của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong thời đại ngày nay: Nếu như trung bình ở thế kỷ XIX là khoảng 60 - 70 năm; đầu thế kỷ XX là 30 năm, đến thập kỷ 90 là 3 năm; Đối với Telephone là 74 năm; Radio là 38 năm thì đến Ti vi chỉ còn 13 năm; Internet: 3 năm.

Cách mạng khoa học và công nghệ đưa đến sự tích hợp không chỉ trong khoa học mà còn giữa khoa học với kỹ thuật, với công nghệ và với cả công nghiệp, nền sản xuất. Nếu trước đây khoa học đứng ngoài, đứng bên cạnh kỹ thuật, công nghệ, cách xa sản xuất thì nay chúng hòa lẫn vào nhau, thâm nhập vào nhau trở thành một khối thống nhất “Khoa học - kỹ thuật - công nghệ - sản xuất”, và nhiều công nghệ sản xuất mới gắn liền với các phát minh trong các khoa học cơ bản, các sáng chế, phát minh trong phòng thí nghiệm. Khoa học ngày càng quyết định định hướng của tiến bộ kỹ thuật và sản xuất.

Cách mạng khoa học và công nghệ không chỉ làm xuất hiện những ngành khoa học mới mà còn tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và làm chúng phát triển nhanh chóng, gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền công nghiệp và đời sống xã hội, đồng thời làm biến mất nhiều ngành công nghiệp do cách mạng công nghiệp tạo ra, đã từng thống trị, chi phối nền sản xuất trước đây.

Trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ thì thông tin và tri thức trở thành yếu tố quan trọng đặc biệt của nền sản xuất mới và ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển lực lượng sản xuất, sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, trở thành động lực của sự phát triển sản xuất và xã hội nói chung, tạo ra môi trường xã hội đặc biệt. Thông tin, kiến thức trở thành điều kiện, môi trường, nhân tố cấu thành và nội dung của quá trình sản xuất, là nguồn tạo ra của cải vô tận.

Cách mạng khoa học và công nghệ tăng cường việc giải phóng người lao động khỏi các chức năng thực hiện (vận chuyển, năng lượng, công nghệ), bắt đầu thực hiện việc giải phóng cả các chức năng kiểm tra, quản lý các quá trình sản xuất và cả chức năng lôgic. Điều đó làm cho con người càng ngày càng bị loại ra khỏi các quá trình sản xuất trực tiếp theo nghĩa của sản xuất công nghiệp cổ điển và biến họ t chỗ là người thực hiện giản đơn các thao tác máy móc thành chủ thể của nền sản xuất, với chức năng chủ yếu và quan trọng nhất là sáng tạo, biến con người thành chủ thể thật sự của quá trình sản xuất.

Cách mạng khoa học và công nghệ vẫn đòi hỏi người lao động vừa có chuyên môn sâu, hẹp vừa đòi hỏi cả sự hiểu biết rộng, đòi hỏi chuyên môn hóa và hợp tác hóa, nhưng cơ sở kỹ thuật - công nghệ cho sự bất bình đẳng xã hội do sự phân ngành mang lại như trong thời đại cách mạng công nghệ cơ khí thì đang bắt đầu bị xóa bỏ. Sự phân công lao động không đồng nghĩa với việc biến người lao động thành một bộ phận, đinh ốc của nền công nghiệp nói chung. Công nghiệp cơ khí đã ấn định chặt chẽ nội dung, tính chất của lao động, buộc cả xã hội phải lao động theo nhịp điệu, tốc độ, phương thức và theo những nguyên tắc do công nghiệp ban hành. Cách mạng khoa học và công nghệ tạo tiền đề kinh tế - kỹ thuật cho việc khắc phục những hạn chế của cách mạng công nghiệp.

Cách mạng khoa học và công nghệ bước đầu tạo tiền đề cho nền sản xuất xã hội vượt qua trình độ sản xuất đại trà - đặc trưng rất căn bản của sản xuất thời đại cách mạng công nghiệp theo nghĩa là sản xuất đại trà sẽ không còn thống trị như trong thời kỳ cách mạng công nghiệp; đồng thời cũng tạo những tiền đề ban đầu cho việc sản xuất sản phẩm theo nhu cầu cá nhân, đơn chiếc, độc đáo, duy nhất. Các nguyên tắc “trái ngược” với nền công nghệ cũ đang bắt đầu hình thành: phi tiêu chuẩn hóa (destandardization), phi chuyên môn hóa (despecialization), phi đồng bộ (đồng thời) hóa (desynchronisation), phi tập trung hóa (deconcentration), phi tối đa hóa (maximization), phi trung tâm (trung ương) hóa (decentralisation).

Cách mạng khoa học công nghệ đang thực hiện việc hiện đại hóa hạ tầng cơ sở của nền kinh tế: từ hệ thống giao thông, mạng lưới liên lạc viễn thông, làm rút ngắn khoảng cách không gian, xóa bớt những cách trở địa hình. Nó đã tạo ra cuộc cách mạng thông tin, cách mạng số được xem là quan trọng nhất, vĩ đại nhất, gây ảnh hưởng to lớn nhất trong lịch sử các cuộc cách mạng thông tin đã diễn ra: tạo ra điện thoại và điện thoại di động, liên lạc vệ tinh, các công nghệ tin học, tạo ra môi trường thu nhận, tái chế, cất trữ, truyền dẫn, cung cấp, thu nhập thông tin nhanh chóng, chính xác, nhưng không mệt mỏi. Bưu điện điện tử, hệ thống teleconference, văn phòng điện tử, chỗ làm việc tự động hóa (workstation), chính phủ điện tử... là những bước đặc biệt quan trọng tiến đến chỗ trí tuệ hóa quá trình lao động và tin học hóa quá trình sản xuất. Sản xuất, do vậy gắn liền với sự sáng tạo của con người với những phẩm chất đạo đức, tâm lý, năng lực và trình độ trí tuệ của con người. Lao động trở thành lao động xử lý thông tin. Con người dần trở thành chủ thể thực sự của quá trình sản xuất.

Cách mạng khoa học và công nghệ đang thúc đẩy toàn cầu hóa và tạo ra nền sản xuất mới và nền kinh tế mới, hiện chưa thống nhất được tên gọi: kinh tế hậu công nghiệp, kinh tế siêu tượng trưng, kinh tế tri thức, nền kinh tế mềm, trong đó sản xuất tập trung không còn chiếm ưu thế nổi bật và được thay b ng xu hướng phi tập trung hóa, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, sản phẩm đa dạng hàm lượng trí tuệ cao, chu kỳ thay đổi công nghệ và sản phẩm ngày một rút ng n.

Cách mạng khoa học và công nghệ đang tạo ra hình thức tiền tệ mới: tiền tệ điện tử. Hình thức tiền tệ này ngày càng trở thành nguồn lưu thông tiền tệ chính yếu của xã hội. Xã hội trở thành siêu tượng trưng và tiền tệ cũng đang bị tin học hóa trở thành siêu tượng trưng. Theo sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ xu thế hạn chế và đi đến xóa bỏ tiền giấy đang thành hiện thực.

Cách mạng khoa học và công nghệ đang tạo nên “bộ nhớ xã hội điện tử” khác hẳn các loại bộ nhớ trước đây như sách báo, phim ảnh, truyền miệng. Bộ nhớ xã hội điện tử bao gồm hệ thống các máy tính, mạng kết nối các cấp, các thiết bị nhớ gắn liền với chúng. Các thông tin, tri thức cất giữ trong đó luôn ở trạng thái sẵn sàng, được tổ chức hợp lý, có dung tích lớn, cho phép bổ sung thông tin, kiến thức nhanh chóng, lấy ra dễ dàng hơn, khả năng bao quát rộng lớn, mở rộng giới hạn hiểu biết, có thể giải phóng những năng lượng trí tuệ khổng lồ của con người và xã hội, cải biến đời sống tinh thần, phương thức tư duy, năng lực bao quát.

Cách mạng khoa học và công nghệ đang tạo cơ sở vật chất kỹ thuật và các phương tiện, công cụ rất hiệu quả để phát triển văn hóa: sáng tạo, lưu giữ, giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các dân tộc, các cộng đồng, các nền văn hóa. Nó giúp xóa bỏ sự đơn điệu, xóa bỏ ranh giới cách biệt, cô lập giữa các quốc gia và các nền văn hóa; Tạo khả năng và điều kiện thuận lợi cho nhiều tầng lớp dân cư có thể tham gia trực tiếp vào sự sáng tạo văn hóa, sử dụng các giá trị văn hoá cảu các nền văn hóa khác, tự do trao đổi ý kiến, tạo sự đa dạng cho đời sống văn hóa và cả sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các nền văn hóa.

Cách mạng khoa học và công nghệ tạo nên quá trình tích hợp trên các phương diện của đời sống xã hội: thúc đẩy hình thành các tổ chức siêu quốc gia không chỉ trong sản xuất, kinh tế hay thương mại mà đã xuất hiện gần như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến tất cả các vấn đề từ quốc phòng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, lối sống, tôn giáo... Biên giới quốc gia trở nên quá mong manh, xu hướng toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng với tốc độ tăng dần theo sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ.

Cách mạng khoa học công nghệ đang tạo tiền đề cho sự thay đổi dần các quan hệ sở hữu: khi nền sản xuất càng được tự động hóa và tin học hóa thì sở hữu tư bản không còn đóng vai trò quyết định tuyệt đối như trước đây, mà sở hữu thông tin, kiến thức ngày một đóng vai trò lớn hơn, đến một giai đoạn phát triển nhất định những người sở hữu nhiều tư bản và tư liệu sản xuất không còn đủ cơ sở để thống trị các tầng lớp xã hội khác như trong thời đại công nghiệp cũ. Do vậy, tư bản s không còn hoàn toàn “đồng nghĩa” với quyền lực như trước đây, của cải không còn là nguồn gốc quyết định duy nhất đối với quyền lực, quyền lực đang ngày càng gắn liền với thông tin, tri thức như một nguồn gốc ngày càng có ý nghĩa.

Cách mạng khoa học và công nghệ góp phần làm thay đổi các quan hệ giữa 2 khu vực kinh tế: khu vực sản xuất vật chất (tức khu vực 1) và khu vực sản xuất con người (khu vực 2). Sản xuất con người ở đây theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng: thể xác lẫn trí tuệ, trình độ, phẩm chất, năng lực. Khu vực 2 từ trước đến nay vẫn được xem là khu vực phi sản xuất không mang lợi nhuận và phụ thuộc vào khu vực 1, khu vực 1 quyết định khu vực 2. Do thông tin, tri thức trở thành những yếu tố quyết định quá trình lao động sản xuất và năng xuất lao động xã hội thì ưu thế về sức mạnh cơ bắp bị mất dần, việc giáo dục, nuôi dạy trẻ em trở thành lĩnh vực quan trọng hàng đầu của đời sống xã hội. Sự phát triển toàn dện của con người và những năng lực sáng tạo của nó trở thành mục tiêu hàng đầu của sự phát triển sản xuất và xã hội. Việc đầu tư cho “tư bản người” ngày càng trở thành lĩnh vực đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao nhất. Hơn thế nữa, sự thay đổi quan hệ khu vực 1 và khu vực 2 còn đưa đến thay đổi hàng loạt các quan hệ xã hội khác nhau trong gia đình trong nhà trường và trong xã hội, giữa các tầng lớp trí thức và công nhân, v.v…

Cách mạng khoa học và công nghệ không chỉ giải phóng con người khỏi nhịp điệu sống và làm việc của công nghiệp cơ khí, biến lao động trở thành lao động trí óc và lao động tự do, loại con người ra khỏi quá trình sản xuất vật chất trực tiếp như đã nói ở trên mà còn giúp giảm thiểu bệnh tật, phát triển thể trạng, kéo dài tuổi thọ, v.v.… thúc đẩy phát triển con người nói chung. Cách mạng khoa học và công nghệ tạo ra các phát minh khoa học, kỹ thuật và công nghệ sản xuất mới có ảnh hưởng lớn và đang làm thay đổi toàn bộ lực lượng sản xuất, biến đổi nhiều quan hệ xã hội cũ, xác lập các quan hệ mới, đưa xã hội loài người đến một giai đoạn phát triển mới, làm thay đổi bản thân con người, đời sống văn hóa, tinh thần của nó và cả các quan hệ giữa các quốc gia và đời sống quốc tế nói chung.







TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh