Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật




Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Triết học Mác - Lênin

Các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật

Quy luật là mối liên hệ phổ biến, khách quan, bản chất, bền vững, tất yếu giữa các đối tượng và nhất định tác động khi có các điều kiện phù hợp. “Quy luật khách quan” vốn thuộc biện chứng của sự tồn tại khách quan khác với “quy luật khoa học” vốn là sự khái quát những liên hệ và quy luật khách quan được trình bày trong các lý thuyết khoa học bằng những phán đoán phổ biến. Do đó, về nguyên tắc, các quy luật khoa học chỉ gần đúng với các quy luật khách quan. Sự thừa nhận tính khách quan của các quy luật tự nhiên và xã hội là nguyên tắc phương pháp luận quan trọng đối với sự phát triển tri thức khoa học. Khi nhận thức được các quy luật tự nhiên và xã hội, con người tích cực vận dụng chúng vào hoạt động thực tiễn, tức là nếu không thể “làm thay đổi” chúng, thì lại dựa trên chúng để làm thay đổi tự nhiên và xã hội. V.I. Lênin viết: “chừng nào chúng ta chưa biết được một quy luật của giới tự nhiên thì quy luật đó, trong khi tồn tại và tác động độc lập và ở ngoài nhận thức của ta, biến ta thành những nô lệ của “tính tất yếu mù quáng”. Khi chúng ta đã biết được quy luật đó, quy luật tác động (như Mác đã nhắc lại hàng ngàn lần) không lệ thuộc vào ý chí của chúng ta và vào ý thức của chúng ta thì chúng ta trở thành người chủ của giới tự nhiên”[1]. Con người có thể nhờ một số quy luật để kiềm chế sự tác động của những quy luật khác. Chẳng hạn quy luật vạn vật hấp dẫn (do Newton phát hiện ra) đã tác động từ lâu trước khi có con người, trong quá trình hoạt động, con người vẫn tự phát dựa theo nó, nhưng khi đã biết, con người sẽ tổ chức hoạt động của mình phù hợp với sự tác động và có khi còn vô hiệu hóa sự tác động của nó... Do vậy, “khái niệm quy luật là một trong những giai đoạn của sự nhận thức của con người về tính thống nhất và về liên hệ, về sự phụ thuộc lẫn nhau và tính chỉnh thể của quá trình thế giới”[2].

Mọi quy luật đều thể hiện cái phổ biến vốn có ở các giai đoạn vận động, thể hiện sự thống nhất các đối tượng đa dạng. Do vậy, những mối liên hệ được phản ánh trong các quy luật cũng không mang tính chất đơn nhất. Mặt khác, điều đó không có nghĩa là những mối liên hệ phổ biến được phản ánh trong quy luật đã thâu tóm hết mọi đối tượng khách quan. Mức độ chung của các đối tượng là khác nhau, do vậy các quy luật cũng có mức độ phổ biến khác nhau và một cách tương đối có thể chia tất cả các quy luật thành ba nhóm: quy luật riêng, quy luật chung và quy luật phổ biến.

Những quy luật của phép biện chứng mang tính phổ biến, phản ánh những mối liên hệ phổ biến của tất cả các đối tượng hiện thực, đồng thời cũng phản ánh cả nội dung chung, thống nhất vốn có ở các quy luật nhóm thứ nhất và thứ hai. Chẳng hạn, trong thế giới khách quan có nhiều quy luật riêng phản ánh quan hệ giữa các thuộc tính đối lập nhau của đối tượng: quy luật tương tác các điện tích trái dấu, các hạt và phản hạt, hút và đẩy; đấu tranh sinh tồn trong cùng một loài và giữa các loài sinh vật; đấu tranh giai cấp trong xã hội... Nội dung của tất cả các quy luật đó bao gồm cái chung, lặp lại và được bao quát bởi quy luật biện chứng thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập có ý nghĩa phổ biến. Tương tự như vậy là quy luật phủ định của phủ định và quy luật những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại.

Việc nhận thức các quy luật khách quan, nhất là các quy luật phổ biến, có ý nghĩa thực tiễn to lớn, tạo điều kiện cho con người làm chủ tốt hơn tự nhiên và xã hội. Những quy luật phổ biến của phép biện chứng duy vật khái quát cách thức, nguyên nhân và khuynh hướng vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng, phản ánh bản chất biện chứng của thế giới khách quan vốn được con người rút ra từ trong lịch sử của giới tự nhiên và lịch sử của xã hội loài người. Các quy luật này định hướng việc nghiên cứu các quy luật đặc thù, mối liên hệ giữa chúng, từ đó tạo ra cơ sở khách quan cho mối liên hệ giữa triết học duy vật biện chứng với khoa học chuyên ngành.

  • Quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại   Chi tiết
  • Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập    Chi tiết
  • Quy luật phủ định của phủ định   Chi tiết

[1]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.228-229.
[2]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.159-160.



TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh