Nguồn gốc của triết học (Tóm tắt kiến thức Triết học Mác - Lênin)

Nguồn gốc của triết học (Tóm tắt kiến thức Triết học Mác - Lênin)

Nguồn gốc của triết học

Xem tài liệu: Tóm tắt kiến thức Triết học Mác - Lênin (dành cho bậc đại học) - soạn bởi Mai K Đa

Triết học là một loại hình nhận thức đặc thù của con người, ra đời ở cả phương Đông và phương Tây gần như cùng một thời gian (khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ VI TCN) tại các trung tâm văn minh lớn của nhân loại thời cổ đại.

Ý thức triết học xuất hiện có nguồn gốc thực tế từ tồn tại xã hội với một trình độ nhất định của sự phát triển văn minh, văn hóa và khoa học. Triết học là dạng tri thức lý luận xuất hiện sớm nhất trong lịch sử các loại hình lý luận của nhân loại.

Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, triết học có nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội.

* Nguồn gốc nhận thức

Nhận thức thế giới là một nhu cầu tự nhiên, khách quan của con người. Tư duy huyền thoại và tín ngưỡng nguyên thủy là loại hình triết lý đầu tiên mà con người dùng để giải thích thế giới bí ẩn xung quanh. Triết học chính là hình thức tư duy lý luận đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại thay thế được cho tư duy huyền thoại và tôn giáo.

Trong quá trình sống và cải biến thế giới, con người có kinh nghiệm và có tri thức về thế giới. Ban đầu là những tri thức cụ thể, riêng lẻ, cảm tính. Cùng với sự tiến bộ của sản xuất và đời sống, nhận thức của con người dần dần đạt đến trình độ cao hơn, đòi hỏi nhận thức ngày càng quan tâm sâu sắc hơn đến cái chung, những quy luật chung.

Sự phát triển của tư duy trừu tượng và năng lực khái quát trong quá trình nhận thức sẽ đến lúc làm cho các quan điểm, quan niệm chung nhất về thế giới và về vai trò của con người trong thế giới đó hình thành - đó là lúc triết học xuất hiện với tư cách là một loại hình tư duy lý luận đối lập với các giáo lý tôn giáo và triết lý huyền thoại.

* Nguồn gốc xã hội

Triết học ra đời khi nền sản xuất xã hội đã có sự phân công lao động và loài người đã xuất hiện giai cấp, lao động trí óc đã tách khỏi lao động chân tay. Trí thức xuất hiện với tư cách là một tầng lớp xã hội, có vị thế xã hội xác định và ít nhiều được trọng vọng. Hoạt động giáo dục đã trở thành một nghề trong xã hội.

Tầng lớp này có điều kiện và nhu cầu nghiên cứu, có năng lực hệ thống hóa các quan niệm, quan điểm thành học thuyết, lý luận.

Những người xuất sắc trong tầng lớp này đã hệ thống hóa thành công tri thức thời đại dưới dạng các quan điểm, các học thuyết lý luận... có tính hệ thống, giải thích được sự vận động, quy luật hay các quan hệ nhân quả của một đối tượng nhất định, được xã hội công nhận là các nhà thông thái, các triết gia (Wise man, Sage, Scholars, Philosopher), tức là các nhà tư tưởng.

Nguồn: Tóm tắt kiến thức Triết học Mác - Lênin (dành cho bậc đại học) - soạn bởi Mai K Đa. Url: http://www.triethoc.net/2023/01/tom-tat-triet-hoc-mac-lenin.html





TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Đánh giá của bạn về bài viết này?

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh