Trình bày những quan niệm về vật chất của chủ
nghĩa duy vật trước Mác?
Trả lời:
Vật chất với tư cách là một phạm trù triết học
ra đời rất sớm. Ngay từ lúc mới xuất hiện, xung quanh phạm trù này đã diễn ra
cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
- Chủ nghĩa duy tâm tuy buộc phải thừa nhận sự
tồn tại của các sự vật, hiện tượng của thế giới nhưng lại phủ nhận đặc trưng “tự
thân tồn tại” của chúng. Họ cho rằng, đặc trưng cơ bản nhất của mọi sự vật, hiện
tượng là sự tồn tại lệ thuộc vào chủ quan, con người hoặc là không thể, hoặc là
chỉ nhận thức được cái bóng, cái bề ngoài của sự vật, hiện tượng. Như vậy, chủ
nghĩa duy tâm phủ nhận đặc tính tồn tại khách quan của vật chất.
- Chủ nghĩa duy vật thừa nhận sự tồn tại khách
quan của thế giới vật chất, lấy bản thân giới tự nhiên để giải thích tự nhiên.
Cùng với sự phát triển của tri thức nhân loại,
quan niệm về vật chất của chủ nghĩa duy vật cũng từng bước phát triển ngày càng
sâu sắc và trừu tượng hóa khoa học hơn.
+ Quan niệm về vật chất của chủ nghĩa duy vật
thời cổ đại: Khuynh hướng chung của các nhà triết học duy vật thời cổ đại là đồng
nhất vật chất nói chung với một hay nhiều dạng vật thể hữu hình, cảm tính đang
tồn tại ở thế giới bên ngoài. Cụ thể:
• Ở phương Đông: các nhà triết học Trung Quốc
đồng nhất vật chất với “ngũ hành”, bao gồm 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ở
Ấn Độ, phái Nyaya và Vaisêsika lại coi nguyên tử (Paramanu) là thực thể của thế
giới.
• Ở phương Tây: Hy Lạp cổ đại: Talét coi thực
thể của thế giới là nước; Anaximen coi thực thể của thế giới là không khí;
Hêraclít coi thực thể ấy là lửa; Ămpêđôclơ coi thực thể của thế giới bao gồm bốn
yếu tố: đất, nước, lửa, không khí; Anaximenđrơ cho rằng, cơ sở đầu tiên của mọi
vật trong vũ trụ là một dạng vật chất đơn nhất, vô định, vô hạn và tồn tại vĩnh
viễn, đó là Apâyrôn; Lơxíp và Đêmôcrít thì lại đồng nhất vật chất với nguyên tử
và cho rằng nguyên tử là những phần tử cực nhỏ, không thể phân chia, không khác
nhau về chất, tồn tại vĩnh viễn và sự phong phú của chúng về hình dạng, tư thế,
trật tự sắp xếp quy định tính muôn vẻ của vạn vật. Theo thuyết nguyên tử thì vật
chất theo nghĩa bao quát nhất, chung nhất, không đồng nghĩa với những vật thể
mà con người có thể cảm nhận được một cách trực tiếp, mà là một lớp các phần tử
hữu hình rộng rãi nằm sâu trong mỗi sự vật, hiện tượng. Đây là đỉnh cao trong
quan niệm về vật chất thời kỳ cổ đại.
Đặc điểm nổi bật trong quan niệm về vật chất ở
thời kỳ cổ đại là mang tính thô sơ, trực quan, mộc mạc và tự phát.
+ Quan niệm về vật chất của chủ nghĩa duy vật
thế kỷ XV - XVIII: Thời kỳ này ở phương Tây, khoa học thực nghiệm ra đời, đặc
biệt là sự phát triển mạnh của cơ học, công nghiệp. Đến thế kỷ XVII - XVIII, chủ
nghĩa duy vật mang hình thức chủ nghĩa duy vật siêu hình, máy móc. Thuyết
nguyên tử vẫn được các nhà triết học và khoa học tự nhiên thời kỳ này như
Galilê, Bêcơn, Hốpxơ, Xpinôda, Hônbách, Điđơrô, Niutơn... tiếp tục nghiên cứu,
khẳng định trên lập trường duy vật. Do chưa thoát khỏi phương pháp tư duy siêu
hình nên nhìn chung các nhà triết học duy vật thời kỳ này đồng nhất vật chất với
khối lượng, coi những định luật cơ học như những chân lý không thể thêm bớt và
giải thích mọi hiện tượng của thế giới theo những chuẩn mực thuần túy cơ học;
xem vật chất, vận động, không gian, thời gian như những thực thể khác nhau,
không có mối liên hệ nội tại với nhau.
Như vậy, quan niệm về vật chất của chủ nghĩa
duy vật trước Mác thể hiện:
+ Ưu điểm: Đều coi vật chất là bản nguyên của
thế giới. Đã xuất phát từ chính bản thân vật chất để giải thích về thế giới. Điều
này có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đấu tranh chống lại quan điểm duy tâm, tôn
giáo.
+ Nhược điểm: Đồng nhất vật chất với một dạng
nào đó của nó, quy sự phong phú của thế giới vật chất về một dạng cụ thể.